Nở rộ ban nhạc không chuyên
Ban nhạc không chuyên (BNKC) là sự hợp thành của các thành viên: “ông bầu” kiêm chủ dàn nhạc, dàn âm thanh cùng các nhạc công - đông hay ít tùy độ “hoành tráng” của ban nhạc và người làm vai trò dẫn chương trình (MC). Có thể nói, chưa bao giờ BNKC lại nở rộ như hiện nay, hầu như xã, thị trấn nào cũng có vài ba ban nhạc hoạt động, đáp ứng tối đa nhu cầu ca hát của người dân.
Có thể gọi thời nay là “thời của nhạc công”. Nhu cầu cần có tiếng đàn, lời ca tại tất cả dịp vui từ nhỏ đến trọng đại: tiệc cưới; ngày hội - họp của các tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở, nhu cầu tổ chức văn nghệ, hội thi, hội diễn trong các cơ quan, trường học… Đặc biệt, phong trào “thích làm ca sĩ” của người dân ở nông thôn - tất cả là mảnh đất màu mỡ cho giới nhạc công làm nghề.
Trong “thời nở rộ” như hiện nay, nhạc công không chuyên cần tỉnh táo trong làm nghề, nghiêm khắc với bản thân, đừng để thành nhạc… côm.
- Trong ảnh: Một tiết mục tại Liên hoan Các dàn nhạc không chuyên toàn huyện Hoài Ân lần thứ 3 - năm 2012. (ảnh mang tính chất minh họa)
Theo thời ca hát lên ngôi
Ở “đất ca đất hát” Hoài Nhơn, số lượng BNKC có lẽ là hùng hậu nhất tỉnh. Theo nhẩm tính của những người trong nghề, toàn huyện có khoảng 40 ban nhạc đang hoạt động. Mỗi xã, thị trấn có từ 3 đến gần chục ban nhạc, trong đó tập trung nhiều hơn ở thị trấn Tam Quan, các xã Hoài Hương, Hoài Hải… Theo nhạc công Huỳnh Xuân Vấn, cộng tác với ban nhạc Minh Hoàng ở xã Tam Quan Nam, chỉ riêng trong xã này đã có tới 5 ban nhạc đang hành nghề gồm: Minh Hoàng, Minh Thuận, Hoàng Hảo, Hoàng Nhật, Hương Biển. Không chỉ chơi nhạc trong huyện, một số ban nhạc còn được mời đi phục vụ ở các địa phương phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.
“Khoảng 10 - 15 năm trước, mỗi khi đi chơi nhạc ở đâu đó, cánh nhạc công, MC thường tập trung tại nhà “ông bầu”, mỗi người một tay phụ khiêng, chở bằng xe máy dàn âm thanh, nhạc cụ… đến địa điểm phục vụ, vất vả vô cùng. Công việc này sau đó được cải tiến một bước là chuyên chở bằng xe máy gắn đầu kéo, đến nay hầu hết chủ ban nhạc đều sắm được xe tải nhẹ để đi phục vụ, rất thuận lợi và nhẹ nhàng, bất kể địa bàn xa hay gần” - nhạc công Vấn cung cấp một ví dụ sinh động, qua đó thấy được sự lớn mạnh, “chuyên nghiệp” và ăn nên làm ra của những ban nhạc miệt vườn.
Chẳng thua kém “người anh cả” Hoài Nhơn về “khoản” văn nghệ, mấy năm gần đây, phong trào ca hát của người dân ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân cũng vô cùng sôi nổi, kéo theo sự ra đời của hàng loạt BNKC ở mỗi huyện. Nhạc công organ Nguyễn Duy Lập ở thôn Bình Đức, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, thành viên ban nhạc gia đình mà dân địa phương quen gọi là ban nhạc anh em Năm Lập - Bảy Huy, tâm sự: “Mấy chục năm trong nghề, tôi và những anh em cựu trào khác chưa từng chứng kiến cảnh BNKC “trăm hoa đua nở” như trong vài ba năm trở lại đây. Từ chỗ toàn huyện chỉ có vài ba ban nhạc, lượng nhạc công đếm trên đầu ngón tay thì nay đã tăng gấp 5 - 7 lần. Nhạc công bây giờ trẻ hơn, năng động hơn, chạy sô giỏi và chịu khó đáp ứng “máu văn nghệ” của “ca sĩ miệt vườn”.
Ban nhạc gia đình Năm Lập - Bảy Huy được thành lập từ quãng năm 1975, ban đầu gồm 4 anh em trai: Nguyễn Quang (guitar), Nguyễn Duy Lập (organ), Nguyễn Quang Huy (trống), Nguyễn Hoàng (saxophone) và cô cháu gái Nguyễn Thị Bích Thủy (trống). Gần 10 năm nay, có 3 thành viên sáng lập đã nghỉ, còn lại Nguyễn Duy Lập (Năm Lập) và Nguyễn Quang Huy (Bảy Huy). Để duy trì hoạt động, BNKC này đã kết nạp thêm hai nhạc công trẻ là Nguyễn Bá Phương và Mai Văn Tâm.
Tại mảnh đất trung du Hoài Ân, BNKC cũng đông đảo không kém, thậm chí hoạt động còn khá “chất”. Bằng chứng là cuối năm 2012, lần thứ III, Liên hoan các dàn nhạc không chuyên huyện Hoài Ân lại được tổ chức, sôi nổi và bài bản, thu hút 14 BNKC trong huyện cùng so tài và biểu diễn phục vụ khán giả huyện nhà.
Buồn vui lẫn lộn
Hạnh phúc của nhạc công là được cộng hưởng, hỗ trợ cho lòng yêu ca hát của người dân. Đây được xem là nghề “chơi chơi mà có thu nhập”. Tuy nhiên, đồng tiền nhận được từ mồ hôi trên phím đàn cũng nhuốm nỗi nhọc nhằn riêng. Tùy giọng hát, bài hát, cách hát và không khí tại buổi tiệc đó mà nhạc công chơi nhạc hưng phấn, thăng hoa hay vừa chơi vừa mong hết giờ, tàn tiệc.
Đặc biệt, chuyện đàn hát phong trào bây giờ, đàn nhất định phải theo hát, nương theo, nâng tiếng hát chứ hát không theo nhạc. Chuyện “ca sĩ” hát sai nhạc mà hát quá “hăng”, quá “sung”, hát kiểu liên khúc hết bài này tới bài khác, đàn theo… đuối mà còn bị “nạt”, kiểu “ông có biết đờn hông zậy?” xảy ra như cơm bữa!
Nhạc công kiêm “ông bầu” Huỳnh Kim Bảo ở thị trấn Tuy Phước, kể: “Tết rồi đắt “sô”, sẵn thằng con trai đã tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và làm nghề trong đó về ăn Tết, tôi bảo con theo phụ. Theo cha chơi đàn ở tiệc cưới về, nó than thở: “Sao khó chơi quá”. Đến khi đệm đàn cho các “ca sĩ miệt vườn” hát ở “sân khấu tại gia”, được đâu vài bài, nó căng như… dây đàn, rồi lắc đầu kêu: “Bó tay, “ca sĩ” ở đây hát con không đàn được!”.
Việc nở rộ các BNKC đã đáp ứng kịp thời nhu cầu ca hát của người dân và có đóng góp đáng kể vào phong trào văn nghệ quần chúng ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt hạn chế của nó. Theo nhìn nhận, đánh giá của chính giới nhạc công, BNKC bây giờ tuy đông nhưng không tinh, thậm chí có dấu hiệu xô bồ, trái với tinh thần văn nghệ hồn nhiên, vui tươi, lành mạnh.
“Trong nghề của chúng tôi hiện giờ đang tồn tại 1 từ ngữ mà đọc lên rất chua chát. Người ta đọc trại đi một cách đầy chê bai, châm biếm nhạc công thành nhạc… côm (cơm) để chỉ những nhạc công làm nghề dễ dãi, tay nghề non nhưng không chịu khó trau dồi, vị đồng tiền hơn nghệ thuật. Mong sao qua giai đoạn nở rộ này, bầu không khí văn nghệ của những BNKC sẽ đi vào chiều sâu, hoạt động nề nếp hơn”, anh Nguyễn Phương Nam, một MC lâu năm ở huyện Hoài Nhơn nói, giọng ngậm ngùi.
SAO LY