Ân Sơn vui hội
Trong ba ngày (9 - 11.4) diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc 3 xã vùng cao của huyện Hoài Ân, đồng bào Bana, H’re được sống trong tiếng chiêng rộn ràng, hòa nhịp vào điệu xoang mềm mại, những bản dân ca ngọt ngào; cùng với sự sôi động của các môn thể thao. Lễ hội thật sự là ngày hội đoàn kết, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Tiết mục hát đối đáp Ca Choi của đoàn văn nghệ xã Ân Sơn.
Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc 3 xã vùng cao huyện Hoài Ân được tổ chức 2 năm 1 lần. Tham gia Lễ hội năm nay có hơn 150 diễn viên, vận động viên (VĐV) của 3 xã Đắk Mang, Bók Tới, Ân Sơn cùng nhau thi tài các nội dụng văn hóa - thể thao sôi động, hấp dẫn.
Bảo tồn truyền thống
Phần thi văn nghệ quần chúng đã tạo điều kiện cho các dân tộc giới thiệu các loại nhạc cụ độc đáo, các loại hình dân ca, dân vũ. Không có được lực lượng hùng hậu bằng hai xã bạn, đơn vị chủ nhà xã Ân Sơn đã lấy lực lượng trẻ làm nòng cốt xây dựng chương trình biểu diễn phong phú, gồm độc tấu chiêng 3 lá, hòa tấu chiêng 3 lá và chiêng 5 lá, hát đối đáp Ca Choi… thể hiện được sự độc đáo riêng trong âm nhạc truyền thống của người H’re.
Chương trình văn nghệ của các xã Đắk Mang, Bók Tới được dàn dựng sinh động, làm nổi bật nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống người Bana. Nghệ nhân Đinh Văn Lợi, 60 tuổi, ở xã Đắk Mang, tâm sự: “Lần đầu tiên tham gia ngày hội, tôi đem cây đàn hơ nhí đã được ông cha truyền lại để giới thiệu với bạn bè”.
“Lễ hội đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc gặp gỡ, giao lưu; phát hiện, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, bản sắc văn hóa các dân tộc được khơi nguồn, những sinh hoạt cộng đồng, hình thức văn hóa dân gian được kết tinh, hội tụ và tiếp tục được lưu truyền, nâng cao”.
Ông HOÀNG PHI LONG, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội
Các nội dung thi như dệt thổ cẩm, đan đát, dựng nhà rông, nhà sàn truyền thống đã tạo điều kiện để các nghệ nhân vùng cao thể hiện sự khéo léo. Xã Ân Sơn dựng nhà sàn truyền thống của đồng bào H’re; còn các xã Đắk Mang, Bók Tới thì dựng các nhà rông thu nhỏ của đồng bào Bana để tô điểm thêm vẻ đẹp truyền thống cho không gian ngày hội. Nghệ nhân Đinh Văn Tùng, xã Đắk Mang, chia sẻ: “Ngày hội tạo điều kiện để tôi huy động và hướng dẫn thanh niên trong làng cùng tham gia làm nhà rông truyền thống ở từng công đoạn như chọn vật liệu, đan vách, sàn, lợp mái, dựng cột cúng… Sau này, mình có mất đi, lớp trẻ còn biết cách bảo tồn kiến trúc truyền thống”.
Phần thi lễ hội văn hóa dân gian cũng là dịp để các làng giới thiệu các lễ hội tiêu biểu của mình. Xã Ân Sơn gây ấn tượng với lễ cúng cầu vồng đặc trưng của đồng bào H’re. Chị Đinh Thị Lâm, cán bộ văn hóa xã Ân Sơn, cho biết: “Lễ cúng cầu vồng có ý nghĩa tâm linh ban phước lành, sự bình an và hạnh phúc cho người dân trong làng hoặc một tập thể, cá nhân nào đó khi gặp phải sự rủi ro, hoạn nạn ngoài ý muốn, hoặc cầu sự may mắn… Vì vậy, chúng tôi muốn tái hiện lễ hội có ý nghĩa rộng rãi này trong ngày hội, dù khâu chuẩn bị rất cầu kỳ và phức tạp”.
Sôi động thể thao
Những ngày diễn ra lễ hội, thời tiết khá oi bức, nhưng không làm nản lòng bà con Bana, H’re ở 3 xã vùng cao kéo về UBND xã Ân Sơn để xem và cổ vũ cho các hoạt động thể thao. Ngay sau khi các đoàn dựng trại xong vào chiều 9.4, Ban tổ chức đã tiến hành cho thi đấu môn bóng chuyền. Với năng lực chuyên môn vượt trội, đội bóng chuyền xã Đắk Mang đã lên ngôi vô địch ở môn này, xếp sau là đơn vị chủ nhà Ân Sơn và hạng ba là xã Bok Tới.
Sáng 10.4, đồng loạt diễn ra các môn: chạy vượt dốc, phóng lao, bắn nỏ, bóng đá... Ở môn bóng đá, đội Bok Tới đã giành ngôi vô địch, tiếp theo đó là Ân Sơn và thứ ba là Đắk Mang. Ở môn thi chạy vượt đồi dốc, với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà, xã Ân Sơn chiếm tuyệt đối các thứ hạng cao ở nội dung dành cho nam, đồng thời cũng đoạt luôn giải nhất ở nội dung nữ, hai thứ hạng tiếp theo đều thuộc về Đắk Mang. Hai bộ môn mang đậm nét đặc trưng của người miền núi là phóng lao và bắn ná thu hút nhiều người xem nhất. Các VĐV của Đắk Mang đã đoạt giải nhất và ba ở môn phóng lao, giải nhì thuộc về chủ nhà Ân Sơn. Trong khi đó, ở môn thi bắn ná thì Bok Tới đoạt hầu hết các thứ hạng cao ở cả 2 nội dung cho nam và nữ.
Ông Ngô Trần Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, nhận xét: “Chúng tôi đã phát hiện nhiều VĐV trẻ có triển vọng ở môn bóng đá và bóng chuyền. Với các môn phóng lao, bắn ná, các VĐV đã từng đoạt giải ở những Lễ hội trước vẫn duy trì thành tích ổn định và tiến bộ hơn, giúp chúng tôi tuyển chọn được nhiều VĐV tốt cho đội tuyển huyện chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh năm 2013”.
HOÀI THU - CÔNG TÂM