Qua bài “Trả lại sự trong lành cho bãi biển Quy Nhơn”:
Di dời là cần nhưng phải có phương án hợp lý
Sau loạt phóng sự “Trả lại sự trong lành cho bãi biển Quy Nhơn” đăng trên báo Bình Định số ra ngày 3 và 4.4.2014, tòa soạn đã nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết của bạn đọc và các nhà chuyên môn, chung quanh việc bảo vệ, khai thác hiệu quả, bền vững, xây dựng thương hiệu du lịch biển Quy Nhơn tương xứng với tiềm năng; đồng thời, gửi gắm đến chính quyền và ngành chức năng thực hiện các giải pháp trong việc “an cư lạc nghiệp” đối với những ngư dân thuộc diện di dời.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định:
Dự án di dời là cần nhưng phải có lộ trình
Việc di dời tàu thuyền khỏi bãi biển Quy Nhơn là phù hợp với tư tưởng định hướng quy hoạch Quy Nhơn phát triển đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050; phù hợp với việc phát triển trung tâm kinh tế du lịch của tỉnh, nhất là khi triển khai xây dựng khu du lịch Hải Giang, là điểm nhấn phát triển du lịch Quy Nhơn, cùng hòa vào mạng lưới du lịch của cả nước. Việc khai thác hải sản, thuyền bè, nhà lồng trên bãi biển Quy Nhơn gây bức xúc cho nhiều người từ lâu nay, trong đó có tôi. Thú thật, mỗi lần tôi đi bộ tập thể dục ven bãi biển, tôi có nhiều suy nghĩ khác nhau. Nhìn ngoài khơi tôi thấy ánh đèn đánh bắt cá như sao sa, như thành phố thứ hai của Quy Nhơn, ở đó có một nhịp sống lao động; có thế mạnh kinh tế biển của người dân. Và tôi cũng đặt ra cho mình những câu hỏi: Lực lượng tham gia đánh bắt hải sản sống ven biển Quy Nhơn khá lớn, liệu mình chuyển họ đi đến địa phương khác sinh sống vào khoảng năm 2015 thì có làm kịp hay không?... Bởi trước đây, thành phố giải tỏa khoảng 2.500 hộ dân để làm đường Xuân Diệu, phải mất 5 - 6 năm mới làm xong; hoặc giải tỏa đường Nguyễn Tất Thành nối dài ảnh hưởng đến 345 hộ dân, thành phố phải làm 3 - 4 năm.
Mới đây (ngày 3.4), UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn và các ngành chức năng xây dựng các phương án di dời tàu thuyền neo đậu tại khu vực bãi biển dọc đường Xuân Diệu - An Dương Vương đến nơi khác; trong đó nêu rõ chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ di dời cho bà con ngư dân an tâm đến nơi neo đậu mới. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Quy Nhơn báo cáo các phương án trước ngày 30.5.2014, để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi triển khai thực hiện.
(nguồn từ Cổng thông tin điện tử VP UBND tỉnh)
Mong muốn và sốt ruột làm cho bãi biển của thành phố sớm sạch đẹp, quang đãng, văn minh, là đúng đắn và chính đáng; nhưng kế hoạch chỉ một năm thôi mà chuyển chừng đó số hộ đến một nơi hoàn toàn mới thì chính quyền các cấp sẽ phải chịu nhiều áp lực. Vấn đề quy hoạch đất đai, chính sách đền bù giải tỏa, hỗ trợ phải tính toán thật chi tiết; cái quan trọng là luồng lạch phải đảm bảo thuyền bè neo đậu, dịch vụ nghề cá phải đi kèm. Tôi cho rằng chủ trương là rất tốt, phù hợp với điều kiện phát triển chung, nhưng kế hoạch phải cân nhắc để có tính khả thi. Chúng ta phải có định hướng để tìm nguồn lực, triển khai đồng bộ di dời từ nơi đi, đến nơi trú ngụ mới; làm thế nào tạo điều kiện cho ngư dân đến nơi mới tốt bằng, hoặc hơn nơi cũ, đúng theo quan điểm của Đảng và Chính phủ. Muốn vậy phải có lộ trình, điều kiện phù hợp; tạo sự đồng thuận cao đối với ngư dân.
Thứ hai chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm những nơi khác. Ví dụ, tại Nha Trang họ cũng có một bãi biển có nhiều thuyền bè tương tự như ta. Trước khi muốn giải tỏa thì họ đầu tư kinh phí bắc một cây cầu qua sông Lô, rồi họ làm khu tái định cư Hòn Rớ, làm khu đô thị trên bến dưới thuyền; sau đó họ đưa dân sang bên này định cư và họ rất thành công.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn:
Cần sự đồng thuận cao của ngư dân
Chủ trương di dời tàu thuyền và các ngư cụ đang neo đậu tại khu vực dọc bãi biển Quy Nhơn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tính toán phương án di dời một cách hợp lý; vạch ra lộ trình thực hiện cụ thể, từng bước nhằm đảm bảo lợi ích của bà con ngư dân. Bên cạnh đó, chính quyền cần có mức hỗ trợ phù hợp, đảm bảo cuộc sống của bà con ngư dân khi thực hiện chủ trương di dời tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt khác tới nơi neo đậu mới.
Trước mắt, khi chưa bố trí kịp điểm neo đậu mới, tôi nghĩ cần tính đến phương án di dời tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão bên trong Cảng cá Quy Nhơn để giải quyết tạm thời những bức xúc về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hoạt động du lịch biển. Sau đó, tiếp tục đưa ra lộ trình thực hiện phương án di dời tàu thuyền đến địa điểm neo đậu mới phù hợp, có sự đồng thuận cao của bà con ngư dân.
Ông Nguyễn Đình Tuyển, Chủ tịch Hội Ngư dân phường Trần Phú:
Cần tạo điều kiện tốt cho ngư dân
Công tác quy hoạch, tổ chức, di dời tàu thuyền về nơi neo đậu mới để tạo không gian thoáng đãng, xanh - sạch - đẹp cho bãi biển, nhằm tạo luồng gió mới cho hoạt động phát triển du lịch nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng bền vững ở thành phố nói chung, được anh em hội viên Chi hội Ngư dân hoan nghênh, ủng hộ. Việc quy hoạch một điểm neo đậu tàu thuyền tập trung không chỉ tiện cho việc trông coi, quản lý mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của Quy Nhơn có nơi lưu trú ổn định, lâu dài,
Tuy nhiên, anh em hội viên rất mong ngành chức năng có kế hoạch, phương án di dời cụ thể, công tác quản lý bến đậu, an ninh trật tự và cơ sở hạ tầng tại bến neo đậu mới phải đảm bảo hơn trước. Vì vậy, nếu có phương án di dời tàu thuyền, ngành chức năng phải tính toán kỹ lưỡng về việc ổn định nghề, thậm chí tái định cư cho ngư dân.
Ông Nguyễn Ba, ngư dân ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn):
Mong có địa điểm phù hợp
Nếu di dời, chúng tôi mong có địa điểm neo đậu tàu thuyền mới sao cho ít làm đảo lộn cuộc sống, quá trình làm ăn của ngư dân và có sự hỗ trợ kinh phí di dời hợp lý. Nếu địa điểm neo đậu mới cách quá xa TP Quy Nhơn thì phí tổn nhiên liệu để đến ngư trường quen thuộc sẽ tăng, công sức hao tốn nhiều. Mặt khác, nghề làm biển phải có “bạn” mới ra khơi được; nếu đưa tàu thuyền neo đậu ở nơi xa, “bạn” không đi theo thì chủ tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi… Cho nên việc tái định cư, bố trí nơi ở cho những ngư dân có nhu cầu, cũng cần đề cập đến trong phương án di dời.
Ở QN ngư nghiệp là 1 nghề lâu năm, năm nào ngư nghiệp no thì chợ tết rộn ràng, năm nào nghư nghiệp đói thì chợ vắng bóng. Phát triển thành phố là điều người dân nào cũng muốn, nhưng phát triển phải di đôi với lòng dân, nếu không vạch ra phương án phù hợp, không có chỗ neo đậu phù hợp thì sao dân có thể hợp tác tốt với chính quyền. Bây giờ đùng 1 cái bảo dân phải chuyển đi đến 1 nơi xa thì dân sống sao. Còn chi phí xăng dầu, đi lại, chẳng lẽ chuyển nhà đi, rồi cha mẹ ở 1 nơi làm, con cái ở 1 nơi học, hay phải chuyển trường con cái theo cha mẹ để cha mẹ có thời gian chăm sóc con. Thử hỏi như vậy là tạo điều kiện cho dân???
Qua đọc bài viết này tôi thấy rất tâm đắc và có tính nhất quán cao. Thứ nhất việc tạo cảnh quan cho du lịch biển Quy Nhơn sạch đẹp là điều cần thiết phải làm, có bãi biển đẹp, sạch là điểm nhấn cho du lịch Bình Định, nhưng nói cách khác đó là du lịch biển Quy Nhơn. Tuy nhiên muốn di dời tàu thuyền ra ngoài bãi biển Quy Nhơn cần phải làm đồng bộ: đặc biệt phải có nơi neo đậu "PHÙ HỢP". Không có nơi neo đậu cho họ thì đừng nghĩ đến chuyện di dời, mà nơi neo đậu, sinh sống phải thuận tiện và tốt hơn nơi cũ, có như vậy mới phù hợp với ý Đảng, lòng dân, thuận lợi cho việc di dời. Chúng ta đừng nghĩ đến phương án cưỡng chế khi không có điểm neo đậu mới tốt hơn....