Hun hút Đồi Tranh
32 Đồi Tranh không phải là địa danh xa lạ với người dân Hoài Ân. Thế nhưng, khi biết ý định tìm đến nơi này của chúng tôi, ngay cả những người thợ rừng chuyên nghiệp cũng lắc đầu ngao ngán.
Chuyển động Đồi Tranh
Theo những người già ở Đăk Mang, tên gọi 32 Đồi Tranh có từ khi Sư đoàn 3 Sao Vàng thành lập (ngày 2.9.1965 tại rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân - nay thuộc xã Bók Tới). Thời ấy, các chiến sĩ ẩn náu dưới những cánh rừng rậm rạp, lính Mỹ dùng máy bay rải chất độc hóa học, rải xăng đốt cháy rừng để tiêu diệt lực lượng ta. Sau đó, rất nhiều tranh mọc trên khu đồi trọc còn lại, nên cái tên hoang sơ ấy ra đời. Ranh giới nguyên thủy của 32 Đồi Tranh là từ cửa rừng thuộc xã Đăk Mang, qua con dốc Một đi bộ theo hướng suối Nước Lương, Nước Ron khoảng hơn 1 giờ. Thực tế, nơi đây không chỉ có 32 đồi tranh mà còn rất nhiều ngọn đồi nằm chen nhau tạo nên thế núi trùng điệp.
Theo thời gian, 32 Đồi Tranh được mở rộng hơn nhiều lần, được ví như nóc nhà của Hoài Ân. Ở đó, xa xôi và heo hút nhất phải kể đến tiểu khu 74 và 92. Hai tiểu khu này trước đây là nơi sinh sống của trên dưới 400 người dân các làng Kon Rang, Đe Ven, Tom Ro, Klong Căng… thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Đi lại cách trở, nên dường như họ sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Năm 1976, theo chủ trương định canh định cư, họ được dời xuống khu vực thấp hơn, hình thành nên xã Đăk Mang hiện nay. Ông Đinh Giang Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Hoài Ân - một người con của núi rừng Đăk Mang, nhớ lại: “Thời đó, vận động bà con dời làng khó lắm. Nhiều người cái chân đã quen với cái núi, con suối trên đấy nên không chịu xuống, có người còn tự cầm dao đâm mình chảy máu, nhất quyết không đi. Nhưng rồi, trước sự kiên trì vận động của cán bộ mình, đồng bào cũng chịu xuống”.
Cũng từ đấy, nhiều nơi ở khu vực 32 Đồi Tranh trở thành nương rẫy, đồi thả rông gia súc của người dân xã Đăk Mang và Bok Tới. Hơn 10 năm trước, nhiều công ty thuê đất để trồng rừng nguyên liệu giấy, khoác lên vùng đất nham nhở chiến tích màu xanh của keo lai, bạch đàn. Và nơi đây cũng là chốn mưu sinh cho nhiều người không nghề nghiệp ổn định. Họ là những người chấp nhận gian khổ, đổ mồ hôi để đổi lấy chén cơm.
Lên với “nóc nhà” xứ Trung du
Dẫn đường cho chúng tôi là anh Đinh Giang Mía, cán bộ văn phòng của UBND xã Đăk Mang. Như nhiều người dân ở đây, tuần nào anh cũng lên Đồi Tranh một lần để thăm bò. Chừng 15 phút leo dốc, chúng tôi gặp một con suối khá lớn, nước ngập quá nửa bánh xe. Những người đi rừng hay bảo, đó là những con suối “sung sướng”, vì những dòng nước mát làm nguội máy xe hừng hực nóng sau chặng đường leo núi. Liền sau đó, thử thách đầu tiên hiện ra: dốc Một. Con dốc dựng đứng, khúc khuỷu, bề mặt đầy bụi. Dù đã bỏ số 1, nhưng “con Sirius” vẫn không bám nổi. Đến lưng chừng, người ngồi sau phải nhanh chân nhảy xuống, phụ đẩy xe lên dốc. Từ đó trở đi, chúng tôi còn gặp nhiều con dốc như thế. “Đi lên thì còn dễ, chứ đi xuống, người ta phải bẻ đọt cây cột vào sau xe để tăng ma sát, giảm tốc độ”, anh Mía cho hay.
Cứ đi một đoạn ngắn, chúng tôi lại chạm mặt một chiếc xe tải chở keo đi ngược chiều. Mỗi lần như thế đều phải dừng xe, nép một bên để tránh đường. Những người lái xe trẻ măng với khuôn mặt căng thẳng đánh vô-lăng đưa xe qua những con đường ngoằn ngoèo, một bên là vách núi, bên còn lại là vực sâu.
Mất gần 2 tiếng, chúng tôi mới có mặt ở khu khai thác keo đầu tiên. Ông Nguyễn Văn Khải, nhân viên Ban Quản lý khai thác và trồng rừng của Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn, cho biết, để đi hết đoạn đường ấy, một chiếc xe tải phải mất ít nhất 3 tiếng. Để khai thác keo, Công ty giao khoán cho những thầu công. Họ bao tiêu từ khâu tuyển lao động, đưa họ lên đây, khai thác và thuê xe tải chở xuống. “Đại công trường” khai thác keo nơi chúng tôi dừng chân có khoảng 150-180 lao động, làm việc theo từng tốp nhỏ, cứ 12-15 ngày lại “xoay tua” xuống núi nghỉ ngơi.
Ở địa bàn khai thác, xe máy không thể vượt dốc được nữa, chúng tôi phải leo bộ qua những con đường ngang dọc giữa những lô keo đang được đốn hạ. Ngay sườn dốc là một tốp thợ gồm 5 người đang chất keo lên xe tải. Những khuôn mặt non choẹt, thân hình không lấy gì là vạm vỡ nhưng vẫn thoăn thoắt đưa từng khúc gỗ lớn lên xe. Hai người ở dưới đẩy lên, hai người đứng trên thùng xe kéo khúc gỗ xếp ngay ngắn. Những chiếc áo thun đẫm mồ hôi, những đôi bao tay dày cộm cũng rách sờn trước những khúc gỗ to gần bằng vòng tay ôm.
Lực lưỡng nhất trong tốp thợ này là Đinh Văn Ghêm, 23 tuổi, ở thôn 7 xã An Vinh, huyện An Lão. Là con thứ 3 trong gia đình 7 anh em, học hết 12, Ghêm chỉ quanh quẩn làm thuê ở địa phương. Tuy mới lên đây được 5 ngày, nhưng chàng trai H’re này đã làm việc quần quật. “Cơm ăn 3 bữa, ngày được trả 200 ngàn đồng, cũng khá rồi. Không chỉ người trong tỉnh, mà dân Ba Tơ (Quảng Ngãi), ngoài Bắc cũng vào làm”, Ghêm nói vội giữa hai đợt chuyển gỗ.
Đánh đổi
Về những người ngược dốc lên Đồi Tranh làm keo có muôn vàn chuyện kể. Chuyện khổ thừa, chuyện vui dư, chuyện buồn, chuyện cười ra nước mắt cũng không thiếu. Cùng tuổi với Ghêm, nhưng Trần Văn Linh (thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) đã có 3 năm gắn bó với những rừng keo. Linh bảo, sống giữa rừng, cái buồn như từ trong máu, nó thấm từng thớ thịt, đày đọa con người vậy. “Lần đầu lên 32 Đồi Tranh, ban ngày làm quần quật, tối đến, mấy anh em đốt lửa ngồi uống rượu nói chuyện nhà cửa, chuyện vợ con, ai nấy buồn rười rượi. Lúc đó, con trai tui mới sinh được mấy tháng, nhớ vợ, nhớ con không thể nào nói hết. Biết là không có sóng nhưng cứ lấy điện thoại ra mân mê. Không gọi được, không nghe tiếng con khóc mà mình tự nhiên khóc rầu… Nhiều thằng trẻ tuổi, cả nửa tháng trời không liên lạc được với người yêu, chịu không thấu. Chiều làm xong, mượn xe máy vượt gần chục cây số đường rừng chạy ra Chóp Nón - nơi duy nhất có sóng điện thoại, gọi về cho người yêu. Tui cũng đi ra đấy gọi về nhà mấy lần, nhưng khi ngược lại trong đêm, thấy mạo hiểm vô cùng. Lỡ xảy ra chuyện gì coi như khốn nạn”, Linh tâm sự.
Cùng quê với Linh, Nguyễn Đức Thành có hơn 10 năm chinh chiến ở Đồi Tranh, ở rừng nhiều hơn ở nhà. Anh đúc kết: “Đời tui ăn cơm nguội, ngủ bụi, uống nước suối”. Làm thuê quanh năm nên mùi nắng hơi mưa ở rừng anh nếm không thiếu vị nào. Anh kể: “Khai thác gỗ vào mùa nắng mệt nhưng còn dễ chịu gấp trăm ngàn lần so với trồng lứa cây mới vào mùa mưa. Hồi làm ở tiểu khu 74, khi đến nơi, mấy chủ công đã cảnh báo trước, coi chừng vắt cắn. Biết vậy, nhưng sợ vắt thì làm đếch gì được. Có những chỗ vắt dày đặc, nhiều anh bị cắn đến mức sinh ghẻ đầy mình. Mùa nắng, vắt hầu như chỉ xuất hiện ở những cái hố, dưới suối, nơi đất ẩm. Mùa mưa đến thì chúng có mặt ở khắp nơi. Có những nơi vắt nhiều đến mức đi vệ sinh là nỗi ám ảnh”.
Song, vắt chỉ là chuyện nhỏ. Cái gian nan, vất vả của cuộc mưu sinh nơi núi rừng còn là những hiểm nguy rình rập. Trang Văn Tài (35 tuổi, ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) có biệt danh là “Tài cưa”, bởi anh là tay thợ cưa lâu năm và có “độ cày” khó ai theo kịp. Chân anh in dấu khắp các cánh rừng trồng ở khu vực Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, có khi ra Quảng Ngãi, lên tận Gia Lai… Anh bảo, so với nhiều nơi anh đã qua thì đường đến 32 Đồi Tranh không phải là khó nhất. Nhưng, cái nguy hiểm ở đây là nhiều lô keo nằm ở thế dốc, chồi dày đặc. Keo hơn mười năm tuổi, nhiều cây có đường kính hơn 40cm, nằm ở thế cho ngả ngang không được, ngả dọc cũng không xong.
Năm ngoái, anh gặp một đám cây nằm ngang mép vực, nên cố gắng cho đổ ngược lên trên để anh em lột vỏ không phải xuống hố kéo lên. Hướng ngả đã được tính toán chuẩn rồi, đang lúc cho máy “ăn ngọt lực” thì bỗng dưng gió làm cây chuyển hướng, cây đổ về chỗ anh đứng, mà thế đứng thì quá chênh vênh. Lúc đấy, anh nhanh tay vứt máy, nhảy ào lăn mấy vòng xuống sườn núi, suýt chút nữa không chết cũng trọng thương.
“Sau cái vụ ngã vực, cũng chẳng thấy hề gì. Nhưng cũng trong chuyến đi ấy lại suýt bay bàn chân mới thấy ngán. Hôm ấy, tui đã đuối sức mà vẫn ráng cưa thêm cho đủ chuyến xe. Không giữ được máy, lưỡi cưa bị sốc, dằn cắm xuống đất một phát đi ngang qua bàn chân làm cho một đường dài. Chưa đầy một tháng mà dính hai “đòn”. Sau đận đấy phải ở nhà một tháng, coi như nghỉ ngơi và hoàn hồn. Nhiều lúc muốn “gác kiếm”, nhưng biết làm gì để có tiền. Không nghề ngỗng gì, muốn kiếm tiền nuôi con cái ăn học nên đành liều thân!”, Tài “cưa” ngùi ngùi.
Các thầu công khoán 160 ngàn đồng/tấn cho những người lột vỏ, chất lên xe. Thợ cưa có thu nhập khá hơn nhiều, tùy theo thế đất, khó hay dễ cưa mà mỗi tấn gỗ được trả công 50 - 60.000 đồng. Theo anh Tài, mỗi ngày có thể cưa trên dưới 20 tấn, tính chi phí xăng nhớt cũng còn kiếm được 7-800 ngàn đồng. Có ngày đi trúng luồng gỗ lớn, dễ cưa, kiếm được cả triệu đồng. Đó là thu nhập “mơ ước” của người dân quê.
VĂN TRANG - TỐNG BÌNH