Rượu Bàu Đá giả tung hoành
“Vấn nạn” rượu Bàu Đá giả, chất lượng không đảm bảo được bày bán lan tràn trên thị trường đã và đang diễn ra tại làng nghề Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn với nhiều hệ lụy cho sự tồn tại của thương hiệu và làng nghề này. Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm tra và xử lý của cơ quan chức năng vẫn như “ném đá ao bèo”.
Rượu giả lấn át rượu thật
Khảo sát trên tuyến QL 1A, đoạn từ ngã ba cầu Ông Đô (huyện Tuy Phước) đến phường Đập Đá (thị xã An Nhơn), chúng tôi ghi nhận có đến hàng chục hàng quán, quày tạp hóa, bày bán la liệt các loại rượu có mác “Bàu Đá”, đựng trong chai nhựa, bình sành sứ; còn nhuộm các màu đỏ, xanh, vàng… Điều đáng chú ý là tất cả các loại rượu nói trên giá chỉ từ 12 ngàn đến 15 ngàn đồng/lít.
Có nhiều cách để làm rượu nhanh, nồng độ cao để giả rượu Bàu Đá. Phổ biến là dùng men Trung Quốc, bỏ vào cơm rượu 1 - 2 ngày là nấu được, không cần ủ lâu. Độc hơn, có loại chỉ cần bỏ trực tiếp vào gạo và không cần nấu thành cơm. Vậy mà vẫn thành rượu! Một số nơi sản xuất nhiều thì mua mật rỉ ở nhà máy đường về pha với nước, phẩm màu, gia thêm hương vị (thường dùng hương dứa) vào, là thành rượu Bàu Đá xanh, đỏ, vàng, tím đủ màu. Khủng khiếp hơn, một người làm rượu tiết lộ, có loại cồn chỉ cần 2 lít pha với 48 lít nước là thành 50 lít rượu! Hoặc vẫn nấu như rượu Bàu Đá thật nhưng không phải dùng đúng nguồn nước và công thức như người dân thôn Cù Lâm vẫn làm, thường loại này có xuất xứ từ gần thôn Cù Lâm, được các hàng quán mua với giá rẻ hơn.
Làng nghề trước nguy cơ... mất nghề
Ngày 25.3.2014, Sở Công Thương có văn bản thông báo giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển làng nghề rượu Bàu Đá gắn với phát triển du lịch, trình UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ kinh phí trong năm 2014. Giao bộ phận kiểm tra cấp giấy phép an toàn thực phẩm, ngành Công thương phối hợp với Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thị xã An Nhơn và các đơn vị liên quan hỗ trợ Hiệp hội SXKD rượu Bàu Đá thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, SXKD rượu theo quy định trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, giao Hiệp hội rượu Bàu Đá phối hợp với phòng Kinh tế thị xã An Nhơn và mời đơn vị có chức năng đánh giá hợp quy để cùng thống nhất xây dựng phương án triển khai.
Ông Trần Minh Hương (63 tuổi), người có thâm niên 40 năm nấu rượu ở làng Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, trăn trở: “Chưa bao giờ, người nấu rượu lương thiện chúng tôi lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay. Mỗi ngày, gia đình chỉ nấu được 25 lít rượu Bàu Đá nguyên chất nhưng cũng không bán hết, đơn giản vì rượu giả tràn lan”. Tiếp lời ông Hương, ông Lê Văn Bút (64 tuổi), một người nấu rượu tại làng rượu Bàu Đá, thở dài: “Mình cạnh tranh không lại rượu giả vì họ bán giá rẻ bèo. Bây giờ, làng này nấu rượu để cầm hơi và nuôi heo thôi”.
Theo ông Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, thì: Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh (SXKD) rượu Bàu Đá Bình Định có 33 hộ nấu rượu, cùng 19 hộ kinh doanh rượu. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cả thôn Cù Lâm chỉ sản xuất khoảng 300 - 450 lít, còn trước kia mỗi ngày sản xuất trên 800 lít, những thời điểm cận Tết có khi lên trên 1.000 lít. Giờ người dân ở đây đa phần nấu rượu chủ yếu là cầm chừng và lấy hèm chăn nuôi là chính, chứ không thể sống bằng nghề này như trước kia. Ở thôn Cù Lâm, 1 lít rượu nấu bằng gạo giá khoảng 20 ngàn đồng, rượu nấu bằng nếp giá khoảng 25 ngàn đồng. Trong khi đó giá rượu giả chưa tới một nửa. “Nếu việc kiểm tra, xử lý nạn rượu giả ngoài thị trường không được kiểm soát chặt chẽ, tôi nghĩ làng nghề rượu Bàu Đá khó có thể tồn tại trong một thời gian ngắn nữa thôi”, ông Nghĩa lo lắng.
Bí khâu xử lý (!)
Ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hiệp hội SXKD rượu Bàu Đá, khẳng định: Thời gian qua những loại rượu không nhãn mác, rượu nhái nhãn hiệu Bàu Đá bày bán trôi nổi trên thị trường đã tác động không nhỏ đến uy tín, chất lượng và thương hiệu rượu Bàu Đá được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, gây thiệt hại cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Để hạn chế nạn rượu Bàu Đá giả trôi nổi ngoài thị trường, hiện Hiệp hội đang phối hợp với phòng Kinh tế thị xã An Nhơn chọn và mời đơn vị có chức năng đánh giá hợp quy để cùng thống nhất xây dựng phương án triển khai xây dựng bền vững thương hiệu rượu Bàu Đá.
Đáng buồn là hiện nay các ngành chức năng vẫn chưa có cách nào xử lý nạn rượu Bàu Đá giả. Cũng theo ông Lê Quang Tâm, việc kiểm soát rượu Bàu Đá giả ngoài thị trường hiện vượt quá tầm của Hiệp hội và địa phương, cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng cấp tỉnh.
Về vấn đề này, ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, cho biết: Đến nay, do vẫn chưa triển khai việc thực hiện công bố về hợp quy, hợp chuẩn về tem nhãn, bao bì, mẫu mã… đối với sản phẩm thương hiệu rượu Bàu Đá, khiến công tác quản lý, xử lý gặp nhiều khó khăn vì chưa đủ cơ sở pháp lý. Mặt khác, công tác quy hoạch địa điểm kinh doanh sản phẩm rượu Bàu Đá tập trung gắn với các địa điểm quản lý thị trường ở tỉnh ta vẫn chưa được thực hiện, cũng gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý thị trường.
TRỌNG LỢI
Mở 1 cửa hàng chuyên bán rượu Bầu Đá độc quyền và quảng bá rộng rãi. Rượu bán ở các nơi khác coi như không phải rượu Bầu đá.