Khai thác và phát huy âm nhạc truyền thống:
Còn khiêm tốn so với bề dày văn hóa quê hương
Nhiều năm qua, các nhạc sĩ ở Bình Định đã có những cố gắng tìm tòi, khai thác và phát huy chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống quê hương trong sáng tác của mình. Tuy nhiên đến nay, số lượng tác phẩm mang dấu ấn đủ nặng, đủ sâu, đủ sức gây ấn tượng trong trí nhớ công chúng vẫn còn khiêm tốn so với bề dày văn hóa quê hương.
1.
Ngược thời gian, có thể thấy tại Liên hoan Âm nhạc lần thứ XI khu vực phía Nam tại TP Quy Nhơn năm 2011, các nhạc sĩ Bình Định đã đoạt 3 giải tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan với các tác phẩm đều khai thác chất liệu âm nhạc dân gian như bài Hát bội đêm xuân (nhạc sĩ Đào Minh Tâm), Ta và trăng (nhạc sĩ Thế Tuyên), hòa tấu nhạc cụ dân tộc Hào khí Tây Sơn (nhạc sĩ Gia Thiện). Ngoài ra, hai tác phẩm đạt chất lượng tốt trong Liên hoan cũng khai thác chất liệu âm nhạc dân gian là Hồn thiêng Bình Định (nhạc sĩ Bạch Mai), Vũ điệu Apsara (nhạc sĩ Dương Viết Hòa).
Trong đó, bài Hát bội đêm xuân (nhạc sĩ Đào Minh Tâm) được giới chuyên môn đánh giá thể hiện rõ “dấu ấn riêng” trong khai thác chất liệu âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương Bình Định. Cụ thể, ca khúc đã sử dụng chất liệu âm nhạc từ làn điệu hát nam, hát khách của nghệ thuật tuồng. NSƯT Cao Trọng Quế, nguyên Trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn hiện đang định cư tại Mỹ, từng kể: “Trong những dịp họp mặt đồng hương Bình Định tại Mỹ, nhiều người nghe ca khúc Hát bội đêm xuân đã khóc vì nhớ quê hương, nhớ hát bội…”.
Một số nhạc sĩ Bình Định cũng đã khai thác và phát huy âm nhạc dân gian ở mảng khí nhạc, hợp xướng qua một số bản giao hưởng hòa tấu. Trong đó, nhạc sĩ, NSƯT Gia Thiện đã gặt hái nhiều thành công ở các tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như Bến nước sông Côn (giải C năm 2005), Chiều làng quê (giải khuyến khích năm 2008)… cùng nhiều giải thưởng tại Liên hoan nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2012.
2.
Nhiều chất liệu âm nhạc dân gian mang tính đặc trưng là điều kiện thuận lợi ban đầu, nhưng việc khai thác và phát huy như thế nào, đạt hiệu quả ra sao còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực sáng tác, ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc… của mỗi nhạc sĩ
Âm nhạc truyền thống Bình Định rất phong phú và đa dạng. Ngoài âm nhạc tuồng, bài chòi, nhạc võ Tây Sơn chứa đựng những nét độc đáo riêng, còn có nhiều làn điệu dân ca mang đặc trưng của người dân miền núi và miền biển như nhạc nghi lễ cúng tế… Nhạc sĩ, NSƯT Gia Thiện cho rằng: “Khi khai thác nguồn vốn âm nhạc dân gian, vận dụng, phát huy các giá trị của dân ca người sáng tác cần có ý thức cố gắng làm sao không chỉ dừng lại ở dân gian, truyền thống, mà còn phải biết kết hợp với kiến thức âm nhạc hiện đại để phù hợp với đời sống hiện nay…”.
Nhiều chất liệu âm nhạc dân gian mang tính đặc trưng là điều kiện thuận lợi ban đầu, nhưng việc khai thác và phát huy như thế nào, đạt hiệu quả ra sao còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: năng lực sáng tác, ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc… của mỗi nhạc sĩ. Dù có nhiều tác phẩm hay khai thác chất liệu dân ca Nam Trung bộ của các nhạc sĩ Bình Định, nhưng tác phẩm thể hiện rõ nét khai thác âm nhạc truyền thống đặc trưng Bình Định một cách sáng tạo thì không nhiều. “Hát bội đêm xuân được sáng tác từ sự trăn trở muốn đưa âm nhạc tuồng vào ca khúc để phổ biến đến nhiều đối tượng khán giả. Thực hiện điều này rất khó vì làn điệu tuồng mang tính đặc thù…nên phải mất một thời gian dài suy nghĩ, tìm tòi hình thức sáng tác ca khúc phù hợp cho ca sĩ thể hiện và sự tiếp nhận của người nghe”, nhạc sĩ Đào Minh Tâm bộc bạch.
Trong các tác phẩm âm nhạc thành công khi tác giả Bình Định biết khai thác chất liệu từ âm nhạc dân gian, truyền thống để sáng tác, có thể kể đến các bài hát: Đi tìm người hát Lý thương nhau, Bên bờ sông Côn của nhạc sĩ Vĩnh An; Tản mạn quê hương, Trước Hòn Vọng Phu, Non nước quê dừa của nhạc sĩ Vũ Trung; Nắng ấm quê hương, Nhặt rơi câu hò khoan của nhạc sĩ Khắc Hùng; Ai dìa xứ Nẫu, Điệp khúc ru đời mẹ của nhạc sĩ Đào Minh Tâm; Bình Định yêu thương của nhạc sĩ Thế Tuyên….
Để phát huy tốt hơn nữa các làn điệu âm nhạc dân gian, truyền thống vào sáng tác mới, các nhạc sĩ Bình Định cần nỗ lực sáng tạo không ngừng. “Làm sống lại” những làn điệu hát ru, bài đồng dao, dân ca, những điệu nhạc lễ… bằng ca khúc hôm nay một cách nhuần nhuyễn là việc khó, đòi hỏi cái tâm và đặc biệt là cái tài của nhạc sĩ. Đó là chưa kể đến kho tàng âm nhạc đặc sắc của các dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn là “khoảng trống” trong sáng tác của giới sáng tác nhạc tỉnh nhà.
Tại Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam tại TP Pleiku đã diễn ra vào tối 18.3.2014, tác phẩm Vượt qua giông bão của nhạc sĩ, NSƯT Gia Thiện đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải A. Tác phẩm hòa tấu nhạc cụ này gây nhiều ấn tượng khi có sự kế thừa, phát huy âm điệu trống trận Tây Sơn vào chủ đề biển đảo quê hương qua ba chương: Ra khơi, Vượt qua giông bão, Cá nặng đầy khoang.
Trong tác phẩm này, nhạc sĩ, NSƯT Gia Thiện còn sáng tạo thành công khi đưa chất liệu sân khấu vào âm nhạc. Chương “Vượt qua giông bão” với nhạc công trở thành diễn viên thực thụ theo tính chất âm nhạc của tác phẩm làm cho người xem có cảm nhận mới.
Trong Liên hoan trên, tác phẩm “Tình ơi có tự bao giờ” của nhạc sĩ Thế Tuyên cũng đoạt giải B khi khai thác thành công âm điệu bài Lý ngựa ô. Có thêm những tác phẩm mới có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện khả năng sáng tạo trong khai thác, phát huy âm nhạc dân gian là điều khán giả luôn mong chờ ở các nhạc sĩ Bình Định, để các ca khúc, tác phẩm âm nhạc luôn là món ăn tinh thần bổ ích đối với cuộc sống.
HOÀI THU
Nội dung : Kính chào Phóng viên Hoài Thu ! Tôi có một yêu cầu nhỏ là : Rất mong Tòa soạn và Phóng viên Hoài Thu chỉ giúp cách tìm những tác phẩm đã nêu trong bài viết. Chân thành cám ơn trước.