Cẩn trọng khi dạy võ
Trò chuyện với nhiều võ sư trong tỉnh về tình hình chung suy giảm lượng người học võ cổ truyền, họ cho rằng ngoài việc giới trẻ ngày nay phải bận rộn việc học tập, còn có một phần nguyên nhân là nhiều gia đình còn e ngại con em mình mà có chút võ vẽ thì dễ “động tay động chân” với người khác hơn. Có người còn viện dẫn đọc trên báo chí thấy ở các tỉnh, thành khác có nhiều vụ võ sư, võ sĩ ở các địa phương khác hành hung, giết người, cướp của.
Một Chuẩn võ sư ở Tây Sơn khi đến đặt vấn đề dạy võ cổ truyền ở một trường học cấp 2 để gìn giữ truyền thống, thì ban giám hiệu nhà trường bày tỏ sự lo ngại học sinh biết võ thì ỷ lại gây gổ đánh nhau. Người thầy võ này phải cố gắng thuyết phục và lấy uy tín đảm bảo thì nhà trường mới đồng ý, nhưng cũng mới cho “thí điểm” dạy võ cho nữ sinh trước thử xem sao…
Những nỗi lo trên cũng phần nào có cơ sở, nhưng đó là khi người thầy võ không dạy tốt học trò “thấm nhuần” ý nghĩa của võ cổ truyền Bình Định. Trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định”, đã đưa ra đúc kết chung võ cổ truyền Bình Định luôn đặt vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc giáo dục, truyền thụ võ đạo lên hàng đầu. Lúc thu nhận võ sinh, người thầy bao giờ cũng chú trọng cử chỉ, lời nói, cung cách xử sự, nhân thân, lai lịch của người học trò để quyết định có truyền dạy hay không, hoặc chỉ truyền dạy một ít thảo thức võ thông thường. Khi gia nhập môn phái, môn sinh phải lễ cúng tổ và được thử thách về sức chịu đựng, sự kiên trì, đạo đức, tư cách, tuân thủ môn quy, đặc biệt là “tôn sư trọng đạo”…
Sự cẩn trọng trong truyền dạy học trò hiện vẫn được các võ sư ở Bình Định lưu tâm. Võ sư Phi Long Vịnh (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cho biết, đối với những học trò nơi khác tìm đến ăn ở tại võ đường để luyện võ ông còn kỹ lưỡng quan sát tướng diện học trò ngay cả lúc ngủ để đảm bảo truyền dạy cho đúng người. Dù người đến học võ ngày càng ít, nhưng võ sư Trần Dần (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) luôn “sàng lọc” khi nhận học trò. Ông chỉ nhận “đệ tử” sau khi tìm hiểu ban đầu có nhân thân đàng hoàng, nếu ở trong vùng thì phải có bố mẹ đưa đến tận nhà gởi cho thầy dạy, làm lễ tuyên thề trước bàn thờ Tổ sẽ chuyên tâm rèn luyện, gìn giữ “võ đạo”. Võ sư Trần Dần cho biết: “Học trò nào dạy một thời gian mà phát hiện ra tâm tính không tốt, thì tìm cách cho nghỉ một cách khéo léo để tránh gây ra hậu quả xấu cho xã hội…”.
MAI THƯ