Kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10.3 âm lịch)
Vọng mãi bài ca nguồn cội
Tháng Ba âm lịch, ở nơi cách xa đất Tổ hơn ngàn cây số, hàng trăm trái tim đồng hướng về nguồn cội bằng tất cả lòng thành kính. Mùng mười tháng Ba vẫn luôn là dịp những người con đất Võ suy tư về lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên, để thấm thía lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Uống nước nhớ nguồn
Là ngôi trường duy nhất trong tỉnh mang tên người dựng nước, hơn 10 năm nay, Trường THPT Hùng Vương đều đặn tổ chức các hoạt động hướng về nguồn cội nhân ngày giỗ Tổ. Điều này trở thành niềm tự hào in sâu vào tâm thức của mỗi thế hệ thầy và trò nơi đây. “Tháng 6.1999, khi ngôi trường PTTH Kỹ thuật Quy Nhơn được chính thức đổi tên thành THPT Hùng Vương, ý tưởng về một hoạt động nhân ngày mùng mười tháng ba hằng năm ngay lập tức được toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường tán thành. Năm 2000, trường cử một số thầy cô đi tham quan lễ hội Đền Hùng. Hoạt động giỗ Tổ được tổ chức đúng một năm sau đó và trở thành hoạt động truyền thống thường niên của nhà trường”, ông Trịnh Bình, Hiệu trưởng trường nhớ lại.
“Sự tưởng nhớ ấy là một biểu hiện của sức sống mãnh liệt, một biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, ý chí kiên cường bất khuất đã thể hiện trong cuộc đấu tranh không ngừng và vô cùng ác liệt chống ngoại xâm và thiên nhiên”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Trong tâm trí của các thế hệ học sinh, ngày Giỗ tổ Hùng Vương tại trường luôn là thời điểm được mong ngóng nhất trong năm. Ở đó, học trò của trường được nhắc nhở về thuở ban đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc khi trực tiếp tham gia vào việc tái hiện lại các sự tích thời vua Hùng dựng nước, hát lên khúc ca ca ngợi nòi giống Tiên Rồng, chuẩn bị mâm cỗ đầy để dâng lên vua… “Là học trò của Trường THPT Hùng Vương thì mới có vinh dự được đắm mình trong không gian đậm tính thuần Việt như thế! Vậy nên, cứ đến dịp này, lòng tôi lại xôn xao. Đó là thói quen được hình thành từ suốt những năm cấp 3 và mãi in sâu vào tâm thức của mình, ngay cả khi đã rời trường và lập nghiệp ở nơi xa”, anh Nguyễn Phú Huân - cựu học sinh của Trường THPT Hùng Vương, hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh - chia sẻ.
Nhiều năm nay, cứ vào dịp đầu tháng Ba âm lịch, nhiều cựu học sinh và cựu giáo viên, cán bộ từng công tác tại trường đều chủ động liên lạc hỏi thăm về hoạt động nhân ngày giỗ Tổ của Trường. Đáng nói, hơn 10 năm qua, Trường THPT Hùng Vương chứng kiến những cuộc tìm về vào ngày mùng mười tháng Ba của các thế hệ trước. Cô Phạm Thị Hoa, người chưa bao giờ bỏ sót một dịp dâng hương nào tại trường sau khi về hưu, tâm sự: “Mang trong mình niềm tự hào khi được công tác tại ngôi trường mang tên vua Hùng, lần trở về trường vào dịp giỗ Tổ bao giờ cũng ý nghĩa và thiêng liêng hơn hẳn”.
Hoạt động giỗ Tổ hằng năm tại Trường THPT Hùng Vương có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, sau năm 2010, nhà trường đã quyết định sẽ tổ chức với quy mô lớn 3 năm/lần. “Mong mỏi của nhà trường và phụ huynh lẫn học sinh là có thể tổ chức giỗ Tổ long trọng hàng năm, nhưng do một số khó khăn, nhà trường đã quyết định chỉ tổ chức lớn 3 năm/lần, đảm bảo mỗi khóa học sinh đều được tham gia giỗ Tổ. Dù vậy, mỗi năm, khi đến mùng mười tháng Ba, đội ngũ cán bộ, giáo viên và tập thể học sinh vẫn tổ chức dâng hương trước tượng Hùng Vương”.
Dù ai đi ngược về xuôi
Là người con đất Việt, ai cũng nằm lòng câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba…”. Và nếu là những người sinh ra trên đất Phong Châu xưa, câu ca dao ấy càng trở nên thấm thía, da diết. Những ngày này, ở Bình Định cũng có một tập thể những con người sinh ra trên quê hương Phú Thọ, Vĩnh Phúc đang bồi hồi nhớ, xúc động về hai tiếng thiêng liêng “cội nguồn”.
8 năm nay, hơn 140 người lại sum họp bên nhau vào đúng ngày giỗ Tổ để cùng thành kính hướng về quê hương, đất Tổ. “Chúng tôi kể cho con cháu nghe về vùng đất linh thiêng, về niềm tự hào và cả những kỷ niệm ngày còn thơ, trốn học, nắm cơm đi dự lễ Đền Hùng. Ở đó, người người chen nhau để cùng thắp nén tâm nhang, tri ân công đức tổ tiên. Thuở ấy, chúng tôi thích nhất là được ngồi nghe hát xoan, thi nhau trèo qua hàng trăm bậc thang lên đến Đền Thượng, hướng về phía đông ngắm 5 dãy núi xếp thành hình 99 con voi quỳ phục cùng chầu về đất Tổ, hay tìm đến giếng ngọc - tương truyền là nơi công chúa gội đầu- để uống nước, thả đồng xu…”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Vĩnh Phúc, nhớ lại.
4 năm trước, ông Nguyễn Quang Chiến, Chủ tịch Hội, có dịp đại diện cho những người con đất Tổ về dự lễ hội Đền Hùng. Lần ấy, theo chân ông trên từng bậc đá hướng lên ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh là lòng thành kính của những người con xa xứ đang sinh sống tại đất Võ gửi về đất Tổ. “Niềm vui lớn nhất của tôi là khi những bức ảnh của tập thể ở Bình Định được đính lên tại khu trưng bày ở tại Đền Hùng. Thắp nén tâm nhang, tôi thấy lòng nhẹ nhõm bởi đã thay mặt cho anh em trình bày với tổ tiên rằng, dù ngược xuôi chốn nào cũng biết cúi đầu tri ân, hướng về đất Tổ mỗi dịp mùng mười tháng Ba”, ông Chiến tâm sự.
Niềm tự hào, thành kính ấy tiếp tục được nuôi dưỡng và truyền lại cho thế hệ hôm nay. Những người sinh ra trên đất Phú Thọ, Vĩnh Phúc luôn nhắc nhở con cháu rằng bạn bè khắp nơi đều là anh em một nhà và phải biết nỗ lực, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xứng danh con cháu vua Hùng.
NGUYỄN MUỘI