ĐƯA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀO CUỘC SỐNG:
Thực hiện quyền gắn liền trách nhiệm
Luật Bảo vệ môi trường (được ban hành ngày 17.11.2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) gồm 16 chương, 171 điều, quy định cụ thể về hoạt động bảo vệ môi trường, nguyên tắc bảo vệ môi trường; việc thực hiện pháp luật, chính sách và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; là khung pháp lý để người dân thực hiện quyền, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường.
Vai trò chủ thể của người dân
Qua 2 lần sửa đổi, bổ sung, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 được đánh giá có nhiều điểm mới mang tính đột phá, thể hiện và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công tác BVMT.
Điển hình, Luật bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhằm khẳng định vai trò của lực lượng quan trọng này trong công tác BVMT, cũng như thực hiện mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Thực tiễn cho thấy, người dân, cộng đồng dân cư đã, đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, rõ nét nhất là thông qua việc xây dựng, tổ chức hoạt động các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hay các phong trào BVMT dưới nhiều hình thức.
Cùng với đó, ở nội dung Nguyên tắc BVMT, Luật năm 2014 quy định BVMT là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, đến Luật năm 2020 đã quy định bổ sung đó là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Đội tuyên truyền mô hình sử dụng túi ny lông thân thiện với môi trường của Hội LHPN tỉnh - Sở TN&MT tuyên truyền, tặng túi ny lông dễ phân hủy tại chợ Chương Dương, TP Quy Nhơn. Ảnh SAO LY
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), thực tiễn cho thấy, người dân, cộng đồng dân cư đã, đang góp phần ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, rõ nét nhất là thông qua việc xây dựng, tổ chức hoạt động các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hay các phong trào BVMT dưới nhiều hình thức. “Việc lần đầu tiên Luật quy định cộng đồng dân cư là chủ thể trong công tác BVMT đã trao quyền, thừa nhận, khẳng định, đề cao vai trò của lực lượng này trong tham gia BVMT, có tác dụng tích cực tạo động lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò, hiệu quả tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác BVMT”, ông Cường nhìn nhận.
Bên cạnh đó, một vấn đề được dư luận quan tâm là thay đổi thu phí rác thải sinh hoạt đã được quy định cụ thể trong Luật. Theo đó, phí rác thải sẽ được tính, thu dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc thu bình quân theo hộ gia đình, đầu người như lâu nay. Cơ chế thu phí này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân nâng cao nhận thức, tăng cường thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tái sử dụng, tái chế rác thải, giảm lượng rác thải chôn lấp (vì không được phân loại, khó khăn trong xử lý).
Để cơ chế trên bảo đảm khả thi, Luật đưa ra một số quy định như: Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối và báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác minh vi phạm và xử lý; MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện; cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của hộ gia đình, cá nhân; UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm…
Tích cực triển khai thi hành Luật
Tích cực đưa Luật vào cuộc sống, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT trên địa bàn tỉnh. Mục đích Kế hoạch nhằm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật đến nhân dân, cán bộ, người lao động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ Luật và nắm bắt rõ vai trò, trách nhiệm về BVMT theo quy định. Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu việc tổ chức thực hiện Luật phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cấp, ngành, đơn vị có chức năng và liên quan; các công việc được xây dựng có nội dung, tiến độ, lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo việc thực thi Luật đồng bộ, thống nhất.
Theo đó, Sở TN&MTcó trách nhiệm chủ trì biên soạn, xây dựng các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật và các văn bản dưới Luật, thông tin đến các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, các cơ quan truyền thông và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai công tác tuyên truyền.
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền về Luật cũng như các hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Phó Giám đốc Sở TT&TT Phạm Ngọc Thái cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình tuyên truyền nội dung của Luật BVMT; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT-TT đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội về các quy định của Luật. Bên cạnh đó, các cơ quan báo, đài của tỉnh chú trọng xây dựng các bản tin, phóng sự chuyên đề… để phổ biến Luật BVMT, thông tin về các hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh… nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tuân thủ Luật cũng như phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia BVMT.
SAO LY