Síp cần tới 23 tỉ euro để tránh vỡ nợ
Tính tới ngày 11.4, số tiền mà chính phủ Síp cần cứu trợ khẩn cấp đã vọt lên 23 tỉ euro, tăng thêm 6 tỉ euro nữa so với con số 17,5 tỉ euro dự tính hồi tháng 11.2012, theo bản báo cáo của “bộ ba” nhà tài trợ quốc tế chuẩn bị cho cuộc họp của nhóm bộ trưởng tài chính Eurogroup tại Dublin (Ireland).
Với khoản cứu trợ 10 tỉ euro của nhóm bộ ba, Síp sẽ phải tìm thêm gấp đôi số tiền dự kiến ban đầu mới giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Điều này có nghĩa, chính phủ Síp phải tự tìm kiếm 13 tỉ euro nữa, thay vì 5,8 tỷ euro như dự kiến trước đó, mới đảm bảo nhận được khoản tiền cứu trợ 10 tỉ euro từ Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế.
Phát ngôn viên chính phủ Síp Christos Stylianides xác nhận, trên thực tế biên bản ghi nhớ của thỏa thuận kí hồi tháng 11.2012 giữa nhóm “bộ ba” tài trợ với chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Demetris Christofias xác định Síp cần hỗ trợ 17,5 tỉ euro tài chính. Tuy nhiên, con số này giờ đã tăng đến 23 tỉ euro. Trách nhiệm này thuộc về chính phủ tiền nhiệm đã hành động thiếu kiên quyết để dẫn tới hậu quả trên.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là Síp lấy đâu ra 13 tỉ euro để giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Việc đóng cửa ngân hàng Cyprus Popular, xóa bỏ phần lớn các khoản nợ có bảo đảm và các khoản tiền gửi không có bảo hiểm ở ngân hàng lớn nhất Bank of Cyprus cũng chỉ có thể giúp mang lại 10,6 tỉ euro.
Có nhiều thông tin cho biết, chính phủ Síp có thể bán một số lượng lớn vàng dự trữ để kiếm thêm 400 triệu euro còn lại.
Các nhà phân tích đang nghi ngờ khả năng Síp có thể huy động được số tiền lớn như vậy. Nhà phân tích Jonathan Loynes của Capital Economics cho rằng, “Lượng tiền cần tăng thêm quá lớn, đây sẽ là thách thức khổng lồ đối với Síp”.
Quy mô nền kinh tế Síp trị giá chỉ 18 tỉ euro, đóng góp chưa đầy 0,2% cho Eurozone. Một số nhà phân tích cho rằng, GDP Síp sẽ co lại hơn 10% chỉ riêng năm nay, thậm chí giảm tới 20% nếu tình hình xấu hơn.
Hôm nay (12.4), Eurozone và các bộ trưởng tài chính EU nhóm họp tại Dublin (Ireland) để thông qua lần cuối khoản cứu trợ dành cho Síp. Họ cũng sẽ cân nhắc gia hạn nợ cho Bồ Đào Nha và Ireland. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nảy sinh nhiều mối lo ngại mới về tình hình kinh tế của Italy do bế tắc chính trị và nguy cơ Slovenia cũng phải cần tới gói cứu trợ tài chính.
Hồng Hà (Theo BBC, RT)