Làm tốt công tác thủy lợi nội đồng để ổn định sản xuất
Ðể phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi lớn, đảm bảo việc tưới tiêu cho đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua tỉnh ta quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng.
Mở rộng, nâng cao hiệu quả hệ thống thủy lợi nội đồng
Toàn tỉnh có 4 hệ thống thủy lợi lớn gồm Sông Côn - Hà Thanh, La Tinh, Bắc Phù Mỹ và Lại Giang, với khoảng 160 hồ chứa, dung tích thiết kế 590 triệu m3. Vụ Hè Thu 2021, các hồ tích nước đạt 74% dung tích thiết kế, phục vụ tưới cho 53.672 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhờ nguồn nước ổn định kết hợp với hệ thống thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nội đồng tương đối tốt, diện tích sản xuất vụ Hè Thu năm 2021 tăng thêm 5.600 ha so với cùng kỳ năm 2020.
Hệ thống kênh mương nội đồng thuộc Đồng Cây Ké thôn Thượng Sơn (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đã bê tông kiên cố, dẫn nước phục vụ cho khoảng 10 ha đất canh tác. Ảnh: THU DỊU
Hệ thống kênh mương nội đồng toàn tỉnh là 3.944 km (kênh loại 3) trong đó giai đoạn năm 2016 - 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện kiên cố hóa tổng chiều dài 2.304 km. Trong giai đoạn 2021 - 2025, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Nông nghiệp phấn đấu kiên cố hóa 600 km, nâng tổng chiều dài kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đến năm 2025 lên 2.904 km.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng, nạo vét, khơi thông dòng chảy, đưa nước vào sâu các vùng sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh còn thực hiện, hỗ trợ thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng kết hợp tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt… giúp chuyển đổi mục đích canh tác phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Quá trình thực hiện, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các công trình tích trữ nước, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Góp phần chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Xét về tổng quan, hệ thống thủy lợi của tỉnh Bình Định chưa phải là tốt, chưa đủ đáp ứng thực tế nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, ở những nơi mà hệ thống thủy lợi ổn định, đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hệ thống thủy lợi nội đồng phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo việc dẫn nước từ hệ thống chính về tới từng cánh đồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sản lượng, chuyển đổi cây trồng tốt.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện rà soát diện tích cho từng loại cây trồng theo tiểu vùng sinh thái: Vùng khả năng bị hạn, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn; vùng có nước tưới, khi chuyển đổi trồng cây hoa màu, cần đầu tư thâm canh tăng năng suất; vùng đất lúa chuyển đổi cần bố trí cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống thủy lợi nội đồng”.
TS NGUYỄN THỊ TỐ TRÂN, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Điển hình là việc hệ thống thủy nông sau đập dâng Văn Phong, hệ thống kênh tưới Thượng Sơn (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đưa nước về vùng hạ lưu tạo điều kiện cho một vùng canh tác rộng lớn của huyện Phù Cát, Tây Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, cho biết: “Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, kênh tưới Thượng Sơn chính thức đi vào hoạt động, kết hợp với các công trình thủy lợi hiện có phục vụ nước tưới cho nhiều diện tích sản xuất trên địa bàn xã. Nhờ đó, các diện tích đất chuyển đổi phát huy hiệu quả, năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế tăng”.
Trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, nhờ nguồn nước ổn định, hệ thống kênh mương dẫn nước tốt, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa đạt hiệu quả cao. Cụ thể, chuyển đổi được 846,5 ha, đạt 111% so kế hoạch, tăng 114 ha so với cùng kỳ, chủ yếu chuyển sang các cây trồng như: Bắp, đậu phụng, rau, ớt, cỏ chăn nuôi; diện tích tập trung chuyển đổi ở huyện Phù Cát (430 ha), Tây Sơn (153 ha), Hoài Ân (241 ha).
Ngoài ra, nông dân còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh cây trồng trên đất trồng mì ở những nơi có nguồn nước tưới đạt hiệu quả cao. Các mô hình chuyển đổi như trồng đậu phụng vụ Đông Xuân và chuyển đổi trồng mì, bắp, mè vụ Hè Thu ở xã Bình Thuận, Bình Tân (huyện Tây Sơn) với diện tích 250 ha; trồng mì xen bắp hoặc đậu phụng vụ Đông Xuân, mè vụ Hè Thu ở xã Cát Hiệp, Cát Lâm (huyện Phù Cát) trên diện tích khoảng 500 ha; chuyển đổi trồng ớt, rau dưa ở Phù Mỹ… Các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng trước khi chuyển đổi, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; luân canh cây trồng, tiết kiệm được nước tưới, góp phần cải tạo đất.
THU DỊU