Bản sách chữ Nôm biên soạn thời vua Quang Trung
Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ và trưng bày hiện vật phục chế cuốn sách Thi kinh giải âm, được biên soạn vào năm 1792, tức triều Quang Trung năm thứ 5. Đây là bản chữ Nôm do Sùng Chính viện của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thực hiện theo chỉ dụ của vua Quang Trung, được dịch từ các bộ Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm nhằm cải chính việc giáo dục, phổ biến chữ Nôm sâu rộng trong nước.
Hiện vật phục chế cuốn sách Thi kinh giải âm (Quang Trung 1792) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo các nhà nghiên cứu, chữ Nôm ra đời khoảng thế kỷ thứ X khi nước ta thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, song chữ Nôm chưa được các triều đại phong kiến công nhận chính thức. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 11, năm Quang Thái thứ 9 (1396), Hồ Quý Ly làm sách Quốc âm thi nghĩa (Kinh thi) cùng bài tựa, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân học tập. Bài tựa phần nhiều theo ý mình, không theo tập truyện của Chu Tử”. Sau khi nhà Hồ lên ngôi, mặc dù triều đại nhà Hồ chỉ tồn tại từ năm 1400 - 1407, nhưng chữ Nôm đã dần được công nhận chính thức trên phương diện nhà nước.
Đặc biệt, đến triều đại nhà Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII (1788 - 1802), chữ Nôm có bước phát triển mạnh mẽ, được đưa vào sử dụng trong các văn bản hành chính triều đình. Với mục đích phát triển chữ Nôm để làm chữ viết riêng của người Việt, nhằm thoát khỏi tư tưởng độc tôn chữ Hán trong giáo dục và khoa cử của các triều đại phong kiến trước, vua Quang Trung đã chỉ dụ Sùng Chính viện của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp biên soạn cuốn Thi kinh giải âm bằng chữ Nôm vào năm 1792 để giáo dục đại chúng.
Theo các nhà nghiên cứu chữ Nôm, một trong những văn bản chữ Nôm khắc in tương đối sớm và có độ hoành tráng đáng kể trong số các văn bản Nôm có niên đại được xác tín là tác phẩm Thi kinh giải âm - in theo ván khắc năm Vĩnh Thịnh 1714, tức triều vua Lê Dụ Tông năm thứ 10. Hai cuốn sách cùng tên Thi kinh giải âm có niên đại 1714 và 1792 được khắc trên hai bộ ván khắc hoàn toàn khác nhau, nhưng bộ ván sau (Quang Trung 1792) đã được chỉnh sửa lại trên cơ sở kế thừa gần như trọn vẹn bộ ván trước (Vĩnh Thịnh 1714). Như vậy, Nguyễn Thiếp và Sùng Chính viện của ông chỉ có vai trò khắc in lại một tác phẩm Thi kinh giải âm chữ Nôm đã có trước đó. Chỉ với từng ấy thôi cũng đủ thấy triều Tây Sơn dù tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã coi trọng việc giáo dục đại chúng và việc phổ biến chữ Nôm để thực hiện giáo dục đại chúng, khoa cử như thế nào.
NGỌC NHUẬN