Sức mạnh tổng hợp làm nên thành công cuộc bầu cử
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý thức trách nhiệm của công dân và quyết tâm chính trị cao cùng sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện đã góp phần quan trọng tạo nên thành công của cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N.V.T
Đó là một số bài học kinh nghiệm được chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội nghị được tổ chức ngày 15.7 theo hình thức trực tuyến; điểm cầu Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh; đồng chí Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh; cùng các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chuyên nghiệp
Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước và quốc tế.
Theo kết quả bầu cử, lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ ĐBQH dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay; đây cũng là lần đầu tiên có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu. Tỷ lệ đại biểu nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây.
“Cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách, cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân”, ông Mẫn phân tích.
Cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với 69.243.939 cử tri đã tham gia bỏ phiếu (đạt 99,6%). Cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật trong mọi tình huống phát sinh.
Tại Bình Định, tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 1.221.330 người, đạt 99,83%; cao hơn 0,04% so với cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021. Một số địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100% (TX An Nhơn, huyện Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão), đạt 99,99% (TX Hoài Nhơn, huyện Phù Cát).
Cử tri tham gia bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại điểm bỏ phiếu thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: N.V.T
Cử tri toàn tỉnh đã bầu đủ 7 đại biểu trong số 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV tại 3 đơn vị bầu cử; bầu đủ 57 đại biểu trong số 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh tại 19 đơn vị bầu cử; bầu 362 đại biểu trong số 609 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện tại 110 đơn vị bầu cử; bầu 3.726 đại biểu trong số 6.304 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại 1.162 đơn vị bầu cử.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Từ những thành công to lớn và một số hạn chế của cuộc bầu cử, hội nghị cũng thống nhất cao với những bài học kinh nghiệm được rút ra.
Đầu tiên, việc phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự tin tưởng của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị vào công tác bầu cử là yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử
Bên cạnh đó, quyết tâm chính trị cao cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử.
Song song với đó là sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Cùng với đó là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm đến mọi người dân với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú, kết hợp các phương tiện truyền thống với ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại. Qua đó, bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tối đa vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên.
Đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt quy trình công tác nhân sự; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định.
“Đáng chú ý là đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, an toàn xã hội và y tế; sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng quốc phòng, an ninh, dân phòng và sự ủng hộ của nhân dân để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử. Tinh thần, thái độ làm việc rất nghiêm túc, tích cực, tận tụy, nhạy bén và trách nhiệm cao của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, các tiểu ban giúp việc và Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cùng đội ngũ cán bộ các cấp ở các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương đã góp phần quan trọng vào thành công chung của cuộc bầu cử”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định về thời gian bỏ phiếu
Từ thực tế triển khai cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh kiến nghị xem xét, sửa đổi Điều 71 “Thời gian bỏ phiếu” của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015. Cụ thể, cho phép những nơi có số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu sớm; nhưng phải bảo mật thông tin kết quả kiểm phiếu. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh quy định thời gian kết thúc bỏ phiếu trước 19 giờ cùng ngày; vì giao thông đi lại hiện nay thuận tiện hơn nhiều so với trước đây, công tác tuyên truyền, vận động được làm tốt nên cử tri đi bầu cử sớm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về thời gian bỏ phiếu đối với khu vực đạt tỉ lệ 100% cử tri trong danh sách đã đi bỏ phiếu.
NGUYỄN VĂN TRANG