Cửa khẩu Đèo Ngụy, Mỹ Hiệp:
Trung tâm hậu cần lớn trong kháng chiến
Nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng lực lượng và căn cứ địa cách mạng ở vùng núi phía Tây, đảm bảo binh lương kháng chiến lâu dài, năm 1963, một cửa khẩu tiếp nhận và thu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được hình thành ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Đây là cửa khẩu quan trọng và tranh chấp ác liệt giữa ta và địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Mỹ Hiệp - vùng đất bán sơn địa, gối đầu lên dãy Trường Sơn và trải dọc thượng nguồn sông La Tinh, là hành lang nối liền vùng đồng bằng khu Đông huyện Phù Mỹ, Phù Cát với khu Tây huyện Phù Cát, Bình Khê, An Khê và dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Đèo Ngụy dài khoảng 2 km, nối liền xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ với xã Cát Sơn, huyện Phù Cát. Trong 9 năm kháng chiến, từng đoàn dân công tiếp vận, tải thương từ phía Đông và Bắc Bình Định vượt qua Đèo Ngụy lên các chiến trường An Khê, Măng Đen, Đak Đoa… để phục vụ kháng chiến.
Nhằm phục vụ cho các nhu cầu về xây dựng lực lượng và căn cứ địa cách mạng ở vùng rừng núi phía Tây, đảm bảo binh lương kháng chiến lâu dài, cuối năm 1962 Tỉnh ủy chủ trương tăng cường công tác giao thông liên lạc từ tỉnh xuống huyện và nối với hành lang đường Đông Trường Sơn của Khu; mở một số cửa khẩu vùng giáp ranh Trường Sơn ở các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn để thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa từ vùng địch. Năm 1963, Cửa khẩu Đèo Ngụy, xã Mỹ Hiệp được hình thành.
Cửa khẩu Đèo Ngụy, còn gọi là “chợ Cửa khẩu” lúc đầu chỉ hoạt động ở thôn Vạn Phước, sau đó mở rộng trải dài các thôn Hữu Lộc, Vạn Thiện, Đại Thuận xã Mỹ Hiệp, là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất của tỉnh Bình Định thời bấy giờ. Nơi đây là địa điểm vừa tiếp nhận, cất giấu vừa thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm từ khu Đông, chuyển qua Đèo Ngụy lên căn cứ địa cách mạng của tỉnh và Sư đoàn 3 - Sao Vàng ở vùng rừng núi phía Tây. Mặt khác, Cửa khẩu Đèo Ngụy còn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong giao thông Đông – Tây, giao thông giữa khu Đông, khu căn cứ tiền phương núi Bà với khu Tây, khu căn cứ hậu phương Hòn Chè (Cát Sơn, Phù Cát) từ năm 1964 đến ngày đất nước thống nhất.
Từ sau năm 1971, Cửa khẩu Đèo Ngụy được mở rộng, hàng hóa dồi dào hơn, hoạt động giao nhận, mua bán cũng tấp nập hơn. Từ khoảng 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, cửa khẩu đông đảo, nhộn nhịp, nào bộ đội, cán bộ các ban ngành của tỉnh tập trung về đây tiếp nhận và thu mua hàng hóa, có những đêm ta mua từ 15 đến 18 tấn lương thực. Nếu không vận chuyển kịp trong đêm, phải chôn giấu hôm sau chuyển. Cuối năm 1974, cửa khẩu hoạt động cả ngày đêm, kẻ bán người mua hàng hóa tấp nập, không khí chợ Cửa khẩu lúc nào cũng nhộn nhịp. Chỉ trong tháng 1.1972, toàn huyện Phù Mỹ thu mua gần 200 tấn gạo. Điển hình có em Nguyễn Thị Út, 15 tuổi ở xã Mỹ Hiệp đã mua và vận chuyển 1 tấn gạo và một số hàng hóa cho bộ đội, được Đại hội mừng công của Sư đoàn 3 - Sao Vàng biểu dương là “Chiến sĩ hậu cần nhân dân”.
“Muốn ăn về Mỹ Chánh, muốn đánh về Mỹ Hiệp” - câu nói cửa miệng của bộ đội thời chống Mỹ. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, Mỹ Hiệp thường xuyên gánh vác những trọng trách của huyện, tỉnh. Mỹ Hiệp là cơ sở cách mạng kiên cường, vững chắc và là cửa ngõ con đường hành lang giao thông Đông - Tây. Do vậy, Mỹ Hiệp luôn luôn là điểm nóng và cũng là điểm sáng của tỉnh Bình Định, xã được chọn báo cáo điển hình toàn Khu về phong trào chiến tranh du kích 1960-1965.
Bình Định so với toàn Khu V lúc bấy giờ là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác vận động đóng góp, thu mua lương thực và huy động các quỹ nuôi quân và đảm phụ kháng chiến, trong đó có sự đóng góp lớn của Cửa khẩu Đèo Ngụy. “Năm 1965, ta mua và nông dân đồng bằng đóng góp 7.500 tấn lương thực (toàn Khu có 22.000 tấn), huy động 50 triệu đồng cho các quỹ nuôi quân và đảm phụ kháng chiến, hơn 1 triệu ngày công phục vụ chiến đấu. Huy động dân công vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực và thực phẩm từ Khu Đông lên căn cứ, điều hòa hơn 2.000 tấn gạo từ Nam ra Bắc tỉnh” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định). Từ 1 tổ du kích ban đầu, phát triển thành 2 trung đội; từ những trận phục kích đánh nhỏ lẻ, tiến lên đánh cả trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Đặc biệt, ngày kết thúc chiến tranh 31.3.1975, du kích Mỹ Hiệp chặn đánh cả trung đoàn 47 của địch tháo chạy tại Cầu Cương.
Để bảo vệ mảnh đất Mỹ Hiệp, bảo vệ Cửa khẩu Đèo Ngụy và tham gia kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân xã Mỹ Hiệp bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man; hơn 900 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh. Trong số 899 liệt sĩ của xã Mỹ Hiệp có đến 155 đồng chí du kích xã, 87 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cán bộ và nhân dân Mỹ Hiệp được Nhà nước tặng thưởng từ bằng khen đến huân chương là 2.607 người.
Có thể nói, xã Mỹ Hiệp là cửa ngõ trung tâm hậu cần lớn, cung cấp nhiều sức người sức của cho chiến trường huyện, tỉnh, khu V trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ. Những thành tích to lớn của Mỹ Hiệp được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu: Huân chương thành đồng quyết thắng hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
LÊ VÂN