Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021
(BĐ) - Ngày 16.7, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị. Điểm cầu tỉnh Bình Định dự Hội nghị được tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh, với sự tham gia của lãnh đạo sở, ngành, đơn vị liên quan.
Hội nghị đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021; kết quả xuất khẩu tôm năm 2020 và dự báo thị trường tiêu thụ tôm năm 2021; tình hình nuôi tôm nước lợ các tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nuôi tôm năm 2021... Theo đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 của Việt Nam đạt 3,8 - 4 tỷ USD, hiện qua 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1,5 tỷ USD. Thời gian qua, tình hình dịch diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu về: Phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; phát triển, ứng dụng KHCN; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; các cơ chế, chính sách; thị trường, hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chế biến thủy sản; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước... hướng đến mục tiêu năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản trong nước đạt 9,8 triệu tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD; giải quyết việc làm cho hơn 3,5 triệu lao động...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người nuôi biết có kế hoạch sản xuất phù hợp. Cục Thú y tăng cường kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ; tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu. Vụ Hợp tác quốc tế kịp thời thông tin, phối hợp xử lý các rào cản từ thị trường nhập khẩu tôm... Ông Tiến cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021; các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát...
HOÀI THU