TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG TỈNH:
Triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản
Trong hai năm 2020 - 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình chuyển giao giống, kỹ thuật mới giúp nông dân đa dạng hóa các giống nuôi, kỹ thuật bảo quản sản phẩm tốt hơn.
Năm 2020, riêng đối với lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện 4 nhóm mô hình với 7 điểm trình diễn. Trong đó, đã ứng dụng thành công kết quả đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh về sinh sản nhân tạo, ương - nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông do Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh chuyển giao. Mô hình nuôi cá rô đầu vuông được đưa vào ứng dựng thực tế tại 500 m2 ao đất của 3 hộ ở 3 xã: Canh Hiển (huyện Vân Canh), Bình Tân (huyện Tây Sơn), Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh). Nhờ chủ động được nguồn con giống, vật nuôi phù hợp với điều kiện vùng nuôi nên cá rô sinh trưởng và phát triển tốt, kích cỡ cá thương phẩm đồng đều (trung bình 200 g/con), tỷ lệ sống trung bình 90%, sản lượng trung bình tại mô hình là 2,7 tấn, lợi nhuận trung bình gần 42 triệu đồng.
Thả chình giống triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong ao đất ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp
Tương tự là mô hình ương cá dìa (trong ao diện tích 1.000 m2) tại 1 hộ ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đạt tỷ lệ sống 90%, kích cỡ cá tại thời điểm thu hoạch đồng đều, đạt yêu cầu, lợi nhuận tại mô hình đạt 11,8 triệu đồng. Mô hình 1.500 m2 nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-floc có sử dụng máy cho ăn tự động tại xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỷ lệ sống 90%, kích cỡ tôm tại thời điểm thu hoạch bình quân 44 con/kg, sản lượng tại mô hình khoảng 6,2 tấn (41 tấn/ha), lợi nhuận tại mô hình đạt mức 329 triệu đồng. Mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm tại 2 hộ ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) và phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), tỷ lệ sống trung bình 81%, lãi hơn 116,3 triệu đồng ở mô hình diện tích 6.000 m2; sản lượng trung bình mô hình 2,916 tấn, năng suất bình quân 4,86 tấn/ha. Hộ tham gia mô hình tiếp cận kỹ thuật, từng bước chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cá đối mục, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa cải thiện được môi trường ao nuôi.
Theo Th.S Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện Trung tâm đang phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai thêm 2 mô hình ứng dụng công nghệ nano bảo quản sản phẩm trên 2 tàu cá tham gia chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương ở TX Hoài Nhơn. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Công Bình cho biết: Ngư dân thường bảo quản hải sản bằng đá lạnh xay, cách làm này có nhiều hạn chế; công nghệ nano sẽ nâng cao hiệu quả bảo quản và chất lượng sản phẩm. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh chúng tôi sẽ tìm ra cách thức vận dụng phù hợp nhất với điều kiện của tàu bè, thiết bị của ngư dân Bình Định. Qua đó, hướng đến nhân rộng mô hình và khuyến khích các tàu cá khác trong tỉnh đầu tư bảo quản sản phẩm theo công nghệ này.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thêm 3 điểm trình diễn nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-floc ở 2 hộ tại huyện Phù Cát và 1 hộ ở huyện Phù Mỹ; triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong ao đất (diện tích 500 m2) ở 1 hộ nuôi tại huyện Phù Mỹ . Ông Huỳnh Việt Hùng cho biết: Sau khi tập huấn thêm về kỹ thuật để chuyển giao phương thức nuôi mới, ngày 13.7, chúng tôi đã hỗ trợ con giống để thả nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2. Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm tiếp tục bám sát hộ dân để hỗ trợ, hướng đến phát triển mạnh hơn nữa nghề nuôi cá chình bông ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Phưởng (62 tuổi), hộ được chọn triển khai mô hình nuôi chình bông ở thôn 11, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, ở ven đầm Châu Trúc người ta thường nuôi chình trong lồng thả trong ao đất để dễ bảo vệ tài sản khi có lũ lụt... Nhưng cách làm này cũng có một số hạn chế, đặc biệt là hạn chế khả năng sinh trưởng vì lồng chật hẹp. Khi tham gia mô hình, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tôi xây bờ tường cao khoảng 0,7 m bao quanh ao, sẽ không còn lo thất thoát chình khi xảy ra ngập lụt. Cùng với đó tôi còn được hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi mới. Bước đầu tôi thấy cách làm mới rất hay, chình sinh trưởng tốt, những người nuôi chình trong thôn khá quan tâm đến mô hình này; họ thường xuyên hỏi thăm tôi, nếu thành công tôi nghĩ bà con sẽ học theo để áp dụng ngay.
HOÀI THU