Bảo vệ, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Bảo vệ dân là quan trọng hơn cả
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 đang nằm trong tầm kiểm soát. Sắp tới, TX Hoài Nhơn có thể chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 toàn thị xã. Tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các địa phương khác việc phòng, chống dịch có dấu hiệu khả quan, tuy vậy diễn biến vẫn rất khó lường. Tới đây, khi số lượng người từ TP Hồ Chí Minh về nhiều, công tác phòng, chống dịch sẽ vất vả hơn.
Để đảm bảo an toàn cho dân, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng. Sở Y tế lo vắc xin, trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch, các địa phương bố trí địa điểm tiêm vắc xin lưu động ngoài các bệnh viện, tốt nhất là chọn nhà thi đấu đa năng, trường học tại địa phương. Cùng với đó, mở thêm các điểm dịch vụ test nhanh, thu tiền dịch vụ theo quy định của Nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh thành lập Sở chỉ huy để điều hành tất cả các khâu phòng, chống dịch. Nếu tỉnh ta tính đến việc đưa đồng bào về quê đề nghị nên chọn tàu lửa, với loại phương tiện này ta sẽ dễ giám sát, thực hiện công tác phòng, chống dịch chặt chẽ suốt hành trình - từ khi lên tàu đến khi xuống sân ga. Các địa phương sẵn sàng phương tiện để tiếp nhận, kiểm tra y tế, đưa đón đồng bào về điểm tập trung đã chọn trước và thực hiện các bước phòng, chống dịch bệnh kế tiếp.
Công đoàn Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Công đoàn Viên chức tỉnh trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội), tháng 6.2021. Ảnh: NGỌC QUỲNH
Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cho biết đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chủ động xây dựng phương án đón người dân từ TP Hồ Chí Minh về quê. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam trình bày: Chúng tôi đã chuẩn bị phương tiện, địa điểm đón nhận những người lao động, học tập tại TP Hồ Chí Minh về quê, đồng thời bố trí các điểm test nhanh, đảm bảo an toàn cho nhân viên thực hiện nhiệm vụ và cả người dân. Cùng với đó hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch.
Kết luận về công tác, phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh: Hiện nay, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Với mục tiêu bảo vệ dân là quan trọng hơn cả, tôi yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải thể hiện quyết tâm cao nhất. UBND tỉnh yêu cầu chủ động triển khai đợt tiêm vắc xin trên diện rộng, cố gắng 70% dân số trong toàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng ngừa SARS-CoV-2. Ngành Y tế hướng dẫn các địa phương thiết lập các điểm tiêm phòng mở rộng, đảm bảo an toàn, không nên đưa hết vào cơ sở y tế. Các huyện, thị xã bố trí điểm tiêm đảm bảo giãn cách an toàn.
Khẳng định việc đưa đón đồng bào Bình Định ở TP Hồ Chí Minh là trách nhiệm của tỉnh và địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chủ động liên hệ với Hội đồng hương của các địa phương tại TP Hồ Chí Minh, nắm chắc số lượng người dân mong muốn được về quê thật sự, đồng thời sẵn sàng phương tiện đưa đón, tiếp nhận an toàn. Bộ CHQS tỉnh chịu trách nhiệm lo phương tiện đưa đón người dân từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh; Sở Y tế chịu trách nhiệm về y tế và phương án phòng, chống dịch. Mỗi địa phương thành lập một sở chỉ huy tiền phương của mình, chuẩn bị đầy đủ khu cách ly, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, kit test nhanh. Tiếp tục quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà, cách ly tại khu tập trung không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Địa phương nào lơ là trong khâu kiểm tra, giám sát để xảy ra sự cố đáng tiếc, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Triển khai nhanh gói hỗ trợ, không để dân chờ lâu
Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, nhiều đơn vị cũng đã chủ động triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người lao động và người sử dụng lao động. Riêng Ngân hàng CSXH tỉnh đã phố biến rộng rãi để người dân biết về gói tín dụng của Chính phủ, đồng thời liên hệ với các tổ chức, hội nghề nghiệp nắm bắt nhu cầu về vốn vay, để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn cho các DN. Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Bước đầu có 40 DN đã gửi hồ sơ vay với số tiền trên 8 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Tất cả hồ sơ đã được chúng tôi gửi ra Trung ương xem xét, tuần tới chắc chắn sẽ có kết quả.
TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn là 2 địa phương đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho nhóm đối tượng không có hợp đồng lao động, lao động tự do. TX Hoài Nhơn đã rà soát tại 10 xã, phường, lập danh sách 1.628 người dân thuộc diện được hỗ trợ và đã tạm ứng ngân sách 2,4 tỷ đồng phân bổ cho các xã, phường để hỗ trợ cho người dân. Ngày 16.7, có 7/21 phường xã trên địa bàn TP Quy Nhơn cũng đã rà soát bước đầu và lập danh sách được 317 người dân hành nghề xích lô, ba gác, bán vé số… để hỗ trợ. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam, cho biết: Thành phố đã tạm ứng ngân sách 475,5 triệu đồng chuyển cho các phường, xã hỗ trợ cho dân. Đúng đối tượng là hỗ trợ ngay, không để dân chờ đợi lâu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố phải nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người dân, ưu tiên hỗ trợ trước cho nhóm đối tượng không có hợp đồng lao động, những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 không có việc làm, không có thu nhập. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương phải chủ động ứng ngân sách địa phương, nếu thiếu tiền báo cáo UBND tỉnh, tỉnh sẽ cho tạm ứng, nhất quyết không để thiếu tiền hỗ trợ cho dân. UBND tỉnh cũng trích ngân sách 200 tỷ đồng để thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ và giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thực hiện.
PHẠM TIẾN SỸ