KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (19.7.1946 - 19.7.2021):
Hệ thống thi hành án dân sự được kiện toàn, hoạt động hiệu quả
Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 19.7.1946, Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án - văn bản đầu tiên quy định riêng về công tác thi hành án, được ban hành. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự, Báo Bình Ðịnh có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nguyễn Xuân Hồng về quá trình hình thành và phát triển của hệ thống thi hành án dân sự tỉnh.
Ngày 13.6.1993, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập Phòng Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Định và 11 đội THADS cấp huyện. Đến ngày 1.7.2004, Phòng THADS thuộc Sở Tư pháp đổi thành THADS tỉnh Bình Định, các đội THADS cấp huyện đổi thành THADS cấp huyện và trở thành hệ thống cơ quan độc lập.
Các cá nhân thuộc hệ thống THADS tỉnh nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS năm 2021. Ảnh: Cục THADS tỉnh
Năm 2009, Cục THADS tỉnh Bình Định được thành lập, trực thuộc Tổng cục THADS; chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Cục THADS tỉnh. Hệ thống các cơ quan THADS được quy định rõ hơn về nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ trung ương đến cấp huyện. Đến nay, các cơ quan THADS của tỉnh được kiện toàn, phát triển và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
● Xin ông cho biết, qua quá trình hình thành và phát triển, hệ thống tổ chức THADS của tỉnh hiện nay đã được kiện toàn như thế nào?
- Khi mới thành lập, các cơ quan THADS của tỉnh gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu. Số lượng án toàn tỉnh nhận bàn giao từ tòa án sang nhiều so với biên chế được giao; nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được. Biên chế của các cơ quan THADS sau khi thành lập là 47 người; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm gặp nhiều khó khăn; một số cán bộ, công chức chưa được đào tạo cơ bản. Trong khi đó, tính chất công việc phức tạp, khó khăn; pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp với thực tiễn. Tuy vậy, hệ thống THADS tỉnh lúc bây giờ cũng đã từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau khi Luật THADS ra đời, hệ thống THADS tỉnh đã được kiện toàn và phát triển mạnh mẽ; đội ngũ công chức được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2015, biên chế của hệ thống THADS tỉnh tăng lên 154 người, trong đó có 57 chấp hành viên, 11 thẩm tra viên và các chức danh tư pháp khác.
Đến nay, do yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, toàn ngành còn 136 biên chế, trong đó có 21 chấp hành viên trung cấp, 44 chấp hành viên sơ cấp, 6 thẩm tra viên, 29 thư ký thi hành án... Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của công chức, người lao động trong ngành không ngừng nâng lên.
● Từ sự ổn định về tổ chức bộ máy, kết quả công tác của ngành THADS đã có những bước đột phá như thế nào, thưa ông?
- Số việc và tiền thụ lý thi hành năm sau cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và tăng dần qua từng giai đoạn; số việc còn phải thi hành chuyển kỳ sau giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, có số tiền lớn đã giải quyết dứt điểm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS của tỉnh đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nền nếp. Qua đó, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế XHCN; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và DN.
Các tập thể, cá nhân thuộc hệ thống THADS của tỉnh đã được Ðảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và hình thức khen thưởng cao quý. Trong đó, có 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng nhì; 3 tập thể và 9 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba; 3 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 1 cá nhân được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 4 tập thể và 10 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Năm 1994, sau khi có Pháp lệnh Thi hành án năm 1993, toàn tỉnh thi hành xong 2.150/3.200 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 67%; số tiền thu được là 3,8/6 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 63%. Các tỷ lệ này tương ứng vào năm 2004 là 77% và 84%; năm 2009 là 85% và 77%; năm 2015 là 94% và 89%; năm 2020 là 84,1% (vượt chỉ tiêu 3,7%) và 45% (vượt chỉ tiêu 10%).
Có thể thấy, mỗi giai đoạn phát triển, mỗi văn bản luật về THADS ra đời chính là một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, đưa hệ thống THADS của tỉnh lên một vị thế mới, một nấc thang phát triển mới cả về tổ chức, hoạt động và uy tín của ngành, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển KT-XH của địa phương.
Đặc biệt, sau khi Luật THADS ra đời, công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo THADS kịp thời, được đánh giá cao. Mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, nội chính luôn chặt chẽ, hiệu quả, tạo sự gắn kết, đồng thuận cao trong hoạt động THADS.
● Xin cảm ơn ông!
SAO LY (Thực hiện)