Cẩn thận với viêm họng trong mùa hè
Bệnh viêm họng xảy ra ở mọi đối tượng, bùng phát mạnh trong mùa hè. Đây là tình trạng niêm mạc họng và biểu mô dây thanh bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vi rút, nấm, vi khuẩn, dị ứng, thay đổi nhiệt độ môi trường và cơ thể diễn ra đột ngột khiến niêm mạc họng chưa đủ thời gian để làm ấm như chức năng vốn có, kích thích niêm mạc họng nhanh chóng gây bệnh.
Đáng chú ý, việc sử dụng điều hòa nhưng không vệ sinh thường xuyên điều hòa làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu thì sẽ gây ra viêm họng. Ngoài ra, tần suất sử dụng đồ uống lạnh tăng đột ngột sẽ làm khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng gây nên hiện tượng bỏng lạnh khiến cổ họng bị rát và tổn thương, vi khuẩn dễ xâm nhập dẫn đến viêm họng cấp. Việc để quạt mát hướng thẳng vào người trong thời gian dài cũng là nguyên nhân dễ bị cảm, đau đầu, chóng mặt, viêm họng… Những người có cơ địa dị ứng các loại phấn hoa có trong mùa hè cũng làm cho niêm mạc họng và thanh quản bị kích thích phù nề gây ngứa họng, rát họng và ho cơn.
Theo các bác sĩ, biểu hiện của bệnh là người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét, kèm theo đau mỏi người, cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, ho khan trong giai đoạn đầu, sau đó ho có đờm. Bệnh viêm họng cấp diễn ra trong 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt các triệu chứng sẽ mất đi rất nhanh, nhưng sức đề kháng kém (nhất là trẻ em, người cao tuổi) và không được chữa trị kịp thời, bệnh diễn biến nặng hơn có thể gây biến chứng viêm tai, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, viêm họng mãn tính. Trường hợp viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A có thể gây thấp tim, hoặc viêm cầu thận cấp.
Để phòng bệnh viêm họng, cần chú ý uống nhiều nước ngăn ngừa tình trạng mất nước, súc miệng bằng nước muối ấm; hạn chế uống các loại thức uống ướp lạnh, hay nước đá để tránh làm tổn thương cổ họng; đeo khẩu trang ngăn ngừa vi khuẩn hay vi rút xâm nhập vào cơ thể…
MINH PHƯỢNG