XÁC NHẬN KHAI THÁC Ở VÙNG BIỂN XA QUA THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TÀU CÁ:
Ðiều chỉnh quy định, tránh để ngư dân thiệt thòi
Trong 28 tỉnh, thành ven biển có tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), tỉnh Bình Ðịnh hoàn thành sớm nhất, dù số lượng tàu cá nhiều đứng thứ 3. Việc này đã phát huy tác dụng trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy vậy, khi ứng dụng VMS trong xác nhận khai thác ở vùng biển xa để hỗ trợ cho ngư dân, đã nảy sinh vướng mắc cần được điều chỉnh.
Tại hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tổ chức ngày 13.7 vừa qua, Bộ NN&PTNT cho biết, đến ngày 30.6.2021, đã có 26.915/30.778 tàu cá (87,45%) có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động khai thác ở vùng khơi đã lắp đặt VMS (quy định phải hoàn thành tháng 4.2020). Trong đó, Bình Định đã hoàn tất lắp đặt VMS cho 3.174 tàu cá theo quy định, đạt 100%, là một trong 2 tỉnh đạt chỉ tiêu này (tỉnh còn lại là Ninh Bình); một số tỉnh có tỷ lệ lắp đặt rất thấp như Thanh Hóa (46,9%), Quảng Trị (60,55%), Trà Vinh (65,53%), Quảng Ninh (65,5%)...
Hiệu quả trong phòng chống khai thác IUU
Báo cáo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, tỉnh Bình Định tập trung thực hiện quyết liệt việc lắp đặt VMS trên tàu cá; kêu gọi các nhà tài trợ và ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt VMS trên tàu cá cho ngư dân... Đồng thời, tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống VMS tàu cá; quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu VMS đối với tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu không duy trì hoạt động và vô hiệu hóa VMS trong quá trình hoạt động. UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện phân quyền hệ thống giám sát hành trình tàu cá cho 11 đơn vị để theo dõi và phối hợp xử lý theo quy định; chỉ đạo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 giờ.
Ngư dân Hoài Nhơn kiểm tra thiết bị VMS của VNPT Bình Định lắp đặt trên tàu cá, chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, thông qua việc tổ chức trực nghiêm túc, hiệu quả, hệ thống giám sát tàu cá tại Trạm bờ năm 2020 đã phát hiện và cảnh báo 317 lượt tàu/208 tàu vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam, 3.801 lượt/1.139 tàu bị gián đoạn tin nhắn (mất tín hiệu kết nối) báo cáo vị trí tàu theo quy định. Với việc thực hiện quản lý chặt chẽ, 6 tháng đầu năm nay chỉ phát hiện và cảnh báo 31 lượt/28 tàu cá vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt, 1.266 lượt/423 tàu mất tín hiệu kết nối. Chi cục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan có hình thức thông báo để kiểm tra lại VMS khi tàu còn đi khai thác ở vùng biển xa, sau đó xác minh, khắc phục lỗi thiết bị, xử lý vi phạm (nếu có) khi tàu về bờ.
Điều chỉnh để phù hợp thực tế
Theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 11/2011/TTLT-BNN-BQP-BTC, tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển xa được hỗ trợ nếu có xác nhận của UBND xã đảo hoặc hải quân hoặc nhà giàn gần ngư trường khai thác hải sản... Song, tại Quyết định 52/2020 của UBND tỉnh quy định về việc thực hiện một số chính sách theo Quyết định 48/2010 trên địa bàn tỉnh, trong đó cập nhật các quy định của Luật Thủy sản 2017 và văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bổ sung xác nhận khai thác vùng biển xa qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá mới được xét hỗ trợ, nhằm gắn liền quyền lợi và trách nhiệm để phòng chống khai thác IUU.
Năm 2020, ngư dân phản ảnh rất nhiều trường hợp tàu cá bị mất tín hiệu kết nối do nguyên nhân khách quan, chứ không phải từ phía chủ tàu, thuyền viên; tuy nhiên, theo Quyết định 52/2020 thì các tàu này không đáp ứng quy định. Sở NN&PTNT đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản xem xét, đồng thời phối hợp với địa phương, chủ tàu, đơn vị cung cấp thiết bị nỗ lực khắc phục, song hiện vẫn còn 783 hồ sơ chuyến biển năm 2020 của tàu cá trong tỉnh chưa được xét hỗ trợ, do nguyên nhân này.
Chiều 16.7, tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của ngành NN&PTNT tỉnh, Giám đốc Sở Trần Văn Phúc kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương xác nhận khai thác ở vùng biển xa đối với 783 hồ sơ nêu trên để thẩm định đề nghị hỗ trợ theo quy định. Về lâu dài, xem xét điều chỉnh Quyết định 52/2020 để phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho chính sách đến với ngư dân trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đồng ý với kiến nghị, đồng thời nhấn mạnh cần thẩm định, xác minh kỹ, nếu thực tế tàu cá đi khai thác ở vùng biển xa và không vi phạm quy định khai thác IUU thì xem xét giải quyết hỗ trợ cho ngư dân. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan họp bàn, đề xuất việc sửa đổi Quyết định 52/2020 trên cơ sở đáp ứng thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010 của Chính phủ và yêu cầu của Bộ NN&PTNT.
HOÀI THU