Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình huống khẩn cấp
(BĐ) - Sáng 20.7, Chủ tịch UBDN tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, DN, đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống cấp bách do dịch Covid-19.
Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết, hiện toàn tỉnh có 5 siêu thị bán lẻ, hơn 10 nhà phân phối hàng công nghệ phẩm (mì tôm, dầu ăn, bột ngọt, bột nêm…), 15 nhà phân phối sữa, hàng nghìn cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa. Tổng lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đang dự trữ trong hệ thống siêu thị và nhà phân phối trị giá khoảng 173,5 tỷ đồng. 15 nhà phân phối cho tất cả các hãng sữa đã dự trữ đầy các kho chứa trị giá khoảng 150 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, các DN đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ đủ phục vụ nhu cầu người dân. Các DN chuẩn bị sẵn sàng nhân lực phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua mạng; nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định, nên sản lượng và giá cả không bị biến động.
Đại diện các DN sản xuất, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong ứng phó với các diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, DN đã chủ động xây dựng kịch bản, làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất, lưu tại kho của các nhà sản xuất và DN ở tỉnh. Các DN cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Một số DN đề xuất tỉnh ưu tiên cho những lực lượng phục vụ nhân dân như nhân viên lái xe chở các mặt hàng thiết yếu, nhân viên phục vụ, bán hàng tại các cửa hàng, cơ sở sản xuất được tiêm vắc xin.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chỉ đạo Sở Công Thương lên phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa trong tình hình khẩn cấp.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh về tinh thần ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, phải bảo đảm phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” cho DN sản xuất làm việc, ăn, ngủ tại chỗ và đưa đón công nhân đi làm và về nhà. Ngành nông nghiệp cần xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, mùa vụ, gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp với tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp. Sở Công Thương đề ra 5 mặt hàng thiết yếu nhất cung ứng cho người dân khi bị giãn cách xã hội; cung cấp thông tin về các điểm bán hàng để ngành giao thông vận tải xây dựng phương án “phân luồng xanh” vận chuyển, bảo đảm thông suốt, không ách tắc hàng hóa và giao thông. Tiếp tục tăng cường cung cấp thông tin giới thiệu quảng bá người dân mua hàng online, Sở TT&TT vận hành hệ thống thông tin bản đồ các cửa hàng, dịch vụ bán hàng.
HẢI YẾN