Xây dựng phương án tiêu thụ nông sản, thủy sản trong tình hình dịch bệnh
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng phương án tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân và ngư dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 19.7 đã trình UBND tỉnh xem xét.
Theo phương án nêu trên, đối với lĩnh vực chăn nuôi, do không mang nặng tính chất mùa vụ nên việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối ổn định, chưa ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. Đối với lĩnh vực trồng trọt, các cây trồng vụ Hè Thu 2021 thu hoạch tập trung vào tháng 7 - 8.2021, trong đó các nông sản như lúa, bắp, đậu phụng, mè, đậu các loại phục vụ nhu cầu hộ gia đình, có thể phơi khô, bảo quản, chế biến hoặc bán thị trường trong tỉnh, ít ảnh hưởng khi dịch Covid-19 gây khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ như sản phẩm khác.
Thu mua hải sản ở cảng cá Quy Nhơn chiều 18.7. Ảnh: HOÀI THU
Riêng tổng diện tích trồng dưa hấu trong tỉnh hiện khoảng 700 ha, dự kiến tổng sản lượng khoảng 23.000 tấn, thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 7 - 8. Dưa hấu vụ Hè Thu không xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc mà tiêu thụ chủ yếu tại các chợ trong tỉnh và một số địa phương ngoài tỉnh (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng…). Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng, sản lượng dưa hấu thu hoạch có khả năng tồn ứ, cần hỗ trợ tiêu thụ là 15.000 tấn. Theo phương án được xây dựng, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương tổ chức kết nối với các đại lý thu gom, các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể của tỉnh, hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh... để phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, hoặc tổ chức các điểm bán lẻ (cố định và lưu động), đồng thời vận động người dân trong tỉnh ủng hộ mua, kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ ngoài tỉnh.
Đối với lĩnh vực thủy sản, cần tập trung hỗ trợ tiêu thụ hải sản khai thác.
Do giá nhiên liệu tăng, thiếu thuyền viên nên hiện chỉ có khoảng 50% tàu thuyền của tỉnh đi khai thác. Mặt khác, theo nhiều chủ tàu cá, từ đầu năm đến nay sản lượng khai thác giảm, đồng thời dịch Covid-19 gây khó khăn trong tiêu thụ hải sản. Điều này dẫn đến khả năng số lượng tàu cá đi khai thác có thể còn giảm nhiều hơn. Vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm đối với tàu cá khai thác ngư trường xa bờ, bởi góp phần quan trọng giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ông Huỳnh Văn Nhất (ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ 97486, cập cảng cá Quy Nhơn trưa 19.7, chia sẻ: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến giá một số loại hải sản đang giảm, ngư dân thêm lo ngại thời gian tới đi khai thác về có bán được không? Riêng chuyến này, tàu chúng tôi cả chục người đi đánh bắt gần 20 ngày ở vùng khơi chỉ thu được ít cá, mực, tính ra lỗ tổn vài chục triệu đồng. Nếu kéo dài tình hình này thì có lẽ thêm nhiều tàu phải nằm bờ...
Theo phương án, sản lượng khai thác từ tháng 7 - 10.2021 dự kiến khoảng 39.480 tấn thủy sản các loại (trong đó có 1.470 tấn cá ngừ đại dương), tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Về giải pháp tiêu thụ cụ thể, hiện chỉ mới có hướng khuyến khích các công ty chế biến hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thu mua cá ngừ đại dương để chế biến ngay hoặc bảo quản, nên khả năng tồn ứ ít xảy ra. Như vậy, việc tiêu thụ phần lớn thủy sản có vai trò “cầu nối” quan trọng từ điểm mua bán ở các cảng cá, chợ cá, đại lý thủy sản phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh.
Bà Phan Thị Lệ Thi (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), chủ đại lý lớn thu mua hải sản, cho biết: Tôi cung cấp cá ngừ sọc dưa, cá ngừ bò cho 2 DN chế biến hải sản xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh, Long An. Tình hình dịch cũng khiến số lượng tàu cập cảng cá Quy Nhơn để bán hải sản ít hơn, việc vận chuyển khó khăn khi lượng xe giảm, có thể thời gian tới phải tốn nhiều chi phí bảo quản cá ở kho lạnh chờ gom đủ số lượng lớn, vận chuyển tiêu thụ... Quan trọng hơn nữa, nếu nhu cầu nguyên liệu của các DN giảm do dịch thì kéo theo khó khăn chung cho người mua bán, ngư dân.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, khi thực hiện phương án, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các cơ quan chức năng liên quan chủ động hơn trong việc nắm bắt tình hình sản lượng nông sản, thủy sản (đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19), các loại sản phẩm có khả năng tồn ứ. Qua đó, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các phương án vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch bệnh… Đồng thời, thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kho chứa hàng, nhằm chủ động trong bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các loại có sản lượng lớn, tươi sống, dễ hư hỏng, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Sở Công Thương kết nối, tăng cường các phương thức xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản trong và ngoài tỉnh. Sở GTVT phối hợp với các địa phương, rà soát các đơn vị vận tải trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ huy động các phương tiện vận chuyển nông sản, thủy sản đáp ứng nhu cầu thực tế…
HOÀI THU