“Quan phụ mẫu” là ai?
Những ngày qua, quyết định của lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc thuê máy bay để đón người dân Bình Định đặc biệt khó khăn tại TP Hồ Chí Minh về quê, đồng thời hỗ trợ bà con các chi phí đi lại, cách ly, khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh những vị quan phụ mẫu.
Quan phụ mẫu là một từ cũ nhưng được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Từ này tương đương với “dân chi phụ mẫu”, có thể hiểu là “quan như cha mẹ của dân”. Theo các nhà nghiên cứu, cách gọi quan phụ mẫu bắt nguồn từ một điển tích.
Thời Tây Hán, Triệu Tín Thần làm quan Thái thú ở quận Nam Dương. Tại đây, ông phát triển thủy lợi, khuyến khích canh nông, đề xướng tiết kiệm, mở rộng giáo dục khiến Nam Dương trở thành quận lớn, giàu có và đông đúc. Cảm kích trước tấm lòng “coi dân như con” của ông, người dân nơi đây gọi ông là “Triệu phụ” (cha họ Triệu).
Đến thời Đông Hán, quận Nam Dương lại đón một Thái thú mới là Đỗ Thi. Đỗ Thi là vị quan thanh liêm chính trực. Ông khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng trị thủy, rèn đúc nông cụ; đồng thời giảm lao dịch, thuế má cho dân. Nhờ đó, người dân Nam Dương ai ai cũng có cơm ăn áo mặc đủ đầy. Họ gọi ông là “Triệu phụ” thứ hai, là “Đỗ mẫu” (mẹ họ Đỗ). Họ truyền nhau câu nói “trước có Triệu phụ, sau có Đỗ mẫu” như một cách tưởng nhớ hai ông.
Từ đó, cách gọi quan phụ mẫu (ngữ pháp tiếng Hán là phụ mẫu quan) ra đời. Từ thời Tống, quan cai trị các châu, huyện (những vị quan lại địa phương gần gũi với dân hơn cả) được xưng là “quan phụ mẫu”. Cách gọi này cũng dần du nhập vào nước ta. Những người được dân xem là “quan phụ mẫu” chỉ khi thật sự hết lòng vì sự an nguy, hạnh phúc của dân mà thôi.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ