Luẩn quẩn chuyển đổi trường mầm non tự chủ tài chính
Sau 10 năm, với 3 nghị quyết của HÐND tỉnh, đến thời điểm này mô hình chuyển đổi 13 trường mầm non, mẫu giáo bán công, dân lập sang trường mầm non công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính không thực hiện được.
Việc chuyển đổi 13 trường triển khai theo Nghị quyết 27/211/NQ-HĐND ngày 8.8.2011; đến năm 2013 tiếp tục với Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND, sau đó là Nghị quyết 23/2018/NQ-HĐND ngày 19.7.2018 của HĐND tỉnh. Các trường thực hiện thu học phí theo hướng tăng dần tỷ lệ tự chủ cho đến khi đảm bảo 100% kinh phí chi lương và chi thường xuyên; cụ thể, đến năm học 2020 - 2021, 3 trường mầm non ở Quy Nhơn (Hương Sen, Quy Nhơn, 2.9) tự chủ 100%; 10 trường còn lại tự chủ 70%; đến năm học 2025 - 2026 tự chủ 100%.
“Điệp khúc” học phí tăng, trẻ giảm
Với vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng bài bản và chất lượng giảng dạy tốt, Trường Mầm non Quy Nhơn từng là trường trọng điểm của tỉnh. Thế nhưng, thời gian tuyển sinh cho năm học 2021 - 2022 chốt vào 15.7, nhà trường cũng chỉ thu nhận được hơn 20 hồ sơ đăng ký trẻ học (chỉ tiêu 100). Tuyển mới không đủ, trường còn lo ngay ngáy số trẻ theo học từ năm học trước liệu có duy trì được. Theo bà Nguyễn Thị Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quy Nhơn, mỗi lần mức học phí điều chỉnh tăng thì số trẻ giảm đi. Đến học kỳ 2 năm học 2020 - 2021, khi học phí tăng lên 1,25 triệu đồng/tháng/trẻ, trường chỉ còn 389 trẻ (trước chuyển đổi là 550), trừ tiếp học sinh lớp lá đã ra trường 120 trẻ thì còn lại 269 trẻ. Hiện, mức thu học phí của trường cao gấp 4 - 5 lần so với một số trường mầm non công lập có chất lượng tương đồng trên địa bàn. Năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến KT-XH, thu nhập của người dân thì việc học phí tăng cao rất khó khăn cho trường và hiện hữu nguy cơ phụ huynh cho con chuyển sang trường công lập, tư thục học phí thấp hơn (từ 270 nghìn - 700 nghìn đồng/tháng/trẻ).
Thời gian tuyển sinh cho học 2021 - 2022 đã kết thúc nhưng Trường Mầm non Quy Nhơn mới nhận được hơn 20 hồ sơ đăng ký trẻ học (chỉ tiêu 100). Ảnh: HOÀNG ANH
Không chỉ giảm mạnh số trẻ, Trường Mầm non Hoa Sen còn không tuyển sinh được trẻ nào cho năm học tới. Cơ sở vật chất của trường xuống cấp. Mức học phí càng tăng (hiện là 1,34 triệu đồng/tháng/trẻ), chỉ tiêu giao cũng đã giảm từ 140 trẻ cho 5 nhóm lớp xuống còn 115 trẻ cho 4 nhóm lớp. Cuối năm học vừa rồi, trường còn 59 trẻ. Hè này đã có 7 phụ huynh rút hồ sơ chuyển con sang trường khác. “Chúng tôi đang lo không biết còn bao nhiêu trẻ “trụ” lại với trường, dù rất cố gắng nâng chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, nhưng học phí quá cao, phụ huynh phần không kham nổi, phần so sánh với các trường công lập và tự chủ”, bà Phạm Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường, lo lắng.
Tình hình thậm chí còn “bi đát” hơn với các trường ở các huyện, thị xã khác. Đặc biệt, với mức tăng học phí đột biến, từ 610 nghìn đồng/trẻ/tháng (năm học 2019 - 2020) lên 1,634 triệu đồng (năm học 2020 - 2021) như Trường Mầm non Tây Sơn (huyện Tây Sơn), ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho hay đến cuối năm học vừa qua trường này chỉ còn… 25 trẻ.
Từ tự chủ hoàn toàn đến… tự chủ một phần?
Khi trao đổi với chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình trường mầm non tự chủ hoàn toàn về tài chính vẫn chưa hoàn chỉnh về quy định pháp luật. Các trường chỉ được giao tự chủ về tài chính, còn cơ cấu tổ chức, nhân sự, kế hoạch giáo dục… đều hoạt động theo cơ chế trường công lập nên rất khó khăn trong việc thực hiện.
Sau 10 năm chuyển đổi, các trường này đã giảm 28 nhóm lớp, 1.763 trẻ. Hiện, 9/13 trường quy mô dưới 9 nhóm, lớp, không đủ điều kiện quy mô tối thiểu của một trường mầm non quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDÐT. Như vậy, hầu hết trường không đủ điều kiện để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và mô hình trường mầm non chất lượng cao.
Theo ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, tăng học phí chỉ mới là một trong những lý do dẫn đến sụt giảm số lượng trẻ. Hoạt động của các trường không hiệu quả như mục tiêu chuyển đổi đặt ra từ ban đầu cho 13 trường này. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhiều trường đầu tư chưa theo kịp nhu cầu thực tế, thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của 13 trường tự chủ tài chính luôn bị áp lực bởi việc thuyên chuyển, nguy cơ không tuyển được trẻ phải đóng cửa trường, mất việc làm… Trong khi giải pháp luân chuyển giáo viên lớn tuổi có hệ số lương cao để đảm bảo nguyên tắc giảm mức thu chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, về lâu dài sẽ tạo ra sự bất ổn định trong đội ngũ, thiếu tính kế thừa và không thu hút được giáo viên giỏi.
Song, nguyên nhân chủ quan là các địa phương chưa có sự nỗ lực và quyết tâm cao trong chuyển đổi. Bản thân các trường cũng thiếu năng động, linh hoạt, sáng tạo, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ chưa tương xứng với lộ trình tăng học phí.
Không thực hiện được lộ trình, mới đây, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh mô hình chuyển đổi. Ông Liêm cho biết, trên cơ sở đề xuất của 7 huyện, thị xã, thành phố, Sở GD&ĐT tổng hợp báo cáo đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23/2018/NĐ-HĐND của HĐND tỉnh về việc chuyển 13 trường mầm non tự chủ hoàn toàn về tài chính sang hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện xem xét, quyết định mức tự chủ chi thường xuyên của từng trường phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
MAI HOÀNG