23.900 tỷ đồng đầu tư cho Tây Nguyên
Sáng nay (12.4) tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Đại tướng Trần Đại Quang tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, với Tây nguyên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung đầu tư vốn cho phát triển hệ thống giao thông, đặc biệt là quốc lộ 14 – huyết mạch giao thông của vùng. Song song với đó, Tây Nguyên cần các nhà đầu tư quan tâm đến việc công nghiệp chế biến sâu các ngành hàng thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, cao su…
“Với vùng đất ba gian bằng phẳng, màu mỡ và có tiềm năng phát triển này, nếu cơ sở hạ tầng được cải thiện cơ bản, chắc chắn Tây Nguyên sẽ phát triển. Đây là vùng sản xuất hàng hóa lớn của cả nước, có nhiều tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là về cây công nghiệp. Chính vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ đã và đang dồn nhiều sự quan tâm vào đây”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh Tây Nguyên cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến việc liên kết vùng, và cần có cách làm mới để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA…
Đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản văn phòng Việt Nam (JICA) nhận định về tiềm năng, khó khăn và nhận định về sự phát triển của vùng Tây Nguyên. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cho biết về hoạt động ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, các mô hình liên kết “ba nhà” (nhà đầu tư, nhà quản lý và nhà ngân hàng).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các bộ ngành và các tỉnh Tây Nguyên cần chú ý đến huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển và các vùng phụ cận. Các địa phương trong vùng Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng, lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư, phát triển. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; có chính sách thích hợp để khuyến khích ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển.
Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng động lực phát triển của cả nước, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.
Đồng hành cùng Tây Nguyên, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút các nguồn đầu tư, phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những sản phẩm có lợi thế so sánh để phát triển. Muốn phát triển, không chỉ doanh nghiệp mà cần cả Nhà nước, Chính phủ chung sức. Tây Nguyên cần nghiên cứu đề xuất những cơ chế đặc thù để phát triển những sản phẩm mà chúng ta có lợi thế so sánh, có lợi thế cạnh tranh. Thông qua đó, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững cho các tỉnh trong vùng Tây Nguyên”.
Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết của ngành ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án lên tới gần 23.900 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như sản xuất, chế biến và kinh doanh cây cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thủy điện. Trong đó, nổi bật là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cam kết đầu tư vốn tín dụng hơn 12.900 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cam kết đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng. Đồng thời, trong hội nghị này đã có 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 16.200 tỷ đồng và 11,5 triệu USD.
Hầu hết các dự án này đều đầu tư vào những lĩnh vực mà Tây Nguyên có thế mạnh như nông công nghiệp hiện đại, chế biến cà phê, cao su, du lịch sinh thái. Cũng tại Hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã huy động và đóng góp được 248 tỷ đồng cho an sinh xã hội.
. Theo VOV