Đề nghị bổ sung một số nội dung vào chương trình xây dựng luật
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV, chiều 21.7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Tham gia thảo luận, thay mặt các bác sĩ đang chống chọi với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 hết sức dữ dội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cảm ơn sự ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của các ĐBQH và các ngành chức năng đối với ngành y tế. “Chúng tôi luôn cần sự ủng hộ này và cần hơn nữa một hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không lo đến những quy định, thủ tục rườm rà, mà đôi khi phải tặc lưỡi bỏ qua, vi phạm quy định vì tình huống khẩn cấp, cần đặt sức khỏe con người lên trên hết”, ĐB Hiếu nói.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần luật hóa hình thức khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã 2 lần được đưa vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ở khóa XIV rồi lại bị rút ra. ĐB Hiếu đề nghị Quốc hội bổ sung Luật Khám chữa bệnh sửa đổi vào chương trình của khóa này, coi như là luật khung để Bộ Y tế dựa vào đó ban hành các thông tư hướng dẫn cho các lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, ĐB Hiếu cho rằng đã đưa các dự án luật vào chương trình của kỳ họp thì không nên rút ra vào phút cuối.
Đáng chú ý, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi sẽ lần đầu tiên luật hóa hình thức khám chữa bệnh mới rất quan trọng trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 là khám chữa bệnh từ xa (teleheath). “Triển khai hình thức khám chữa bệnh này hơn một năm nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có luật khung hướng dẫn. Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế có nhiều cố gắng ban hành các thông tư, hướng dẫn; song vì không có quy định trong luật nên gặp nhiều khó khăn để áp dụng trên diện rộng. Đơn cử, quá trình khám chữa bệnh từ xa còn nhiều vướng mắc trong việc cho phép bác sĩ khám chữa bệnh từ xa chịu trách nhiệm khi kê đơn thuốc, về quyền lợi của người bệnh, bệnh viện...”, ĐB Hiếu phân tích.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) có ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chọn lọc, đưa các nội dung đã được cụ thể hóa, luật hóa giúp giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông được các cơ quan xây dựng xong, đã được đánh giá tác động, thống nhất để chuyển vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường bộ; bổ sung dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thông qua tại một kỳ họp.
Nguồn: BTV
ĐB Cảnh nhắc lại mục tiêu thời gian đến của nước ta là đến năm 2030 có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một trong những đặc điểm của các nước có thu nhập cao là xã hội văn minh và người dân chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật. Theo ĐB Cảnh, xã hội văn minh và việc chấp hành tốt các quy định pháp luật thể hiện rõ nhất qua hoạt động giao thông của mỗi quốc gia, vì pháp luật về giao thông thực hiện công khai, hằng ngày, tác động đến mọi người. Nếu pháp luật về giao thông được chấp hành tốt thì việc chấp hành các pháp luật khác cũng sẽ ngày càng tốt hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển xã hội văn minh. Thay đổi này cần một quá trình lâu dài và cần bắt đầu càng sớm càng tốt bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường bộ.
NGUYỄN VĂN TRANG