Cần những cơ chế đặc thù trong điều kiện chống dịch
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, chiều 22.7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025.
Tiết giảm thủ tục, nâng cao tính tự chủ
Tham gia thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù trên các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế trong điều kiện chống dịch Covid-19.
ĐB Lê Kim Toàn cho rằng cần có cơ chế đặc thù để đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế trong điều kiện chống dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
“Đã xác định chống dịch như chống giặc thì có thể áp dụng các “chính sách thời chiến”, tiết giảm các thủ tục, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp có thẩm quyền trong thực hiện các cơ chế đặc thù”, đại biểu (ĐB) Toàn nói.
ĐB Lê Kim Toàn cũng nhấn mạnh yêu cầu chủ động hơn nữa trong tạo nguồn vắc xin để chống dịch hiệu quả. Cần lên kịch bản bản hết sức cụ thể, chi tiết để đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, kể cả kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương án cách ly, điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế.
Về công tác hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ĐB Toàn cho rằng, khâu hỗ trợ người dân rất kịp thời, một số nơi đã ứng ngay ngân sách địa phương để trao tận tay người dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho DN còn chậm; cần cắt giảm thủ tục, tiến hành hỗ trợ nhanh và thực hiện hậu kiểm, xử lý các trường hợp trục lợi chính sách.
Bên cạnh đó, ĐB Lê Kim Toàn lưu ý phải thực hiện tốt Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa khơi thông dòng chảy, không để đứt gãy chuỗi cung - cầu. Thời gian qua, đã có một số địa phương áp dụng các hình thức chống dịch cực đoan, cứng nhắc, vô hình trung đẩy cái khó cho địa phương khác, tác động đến chuỗi cung - cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ĐB Đoàn Bình Định) chia sẻ rằng, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm 30 loại phí, đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các tỉnh, cấp kinh phí cho các bộ, ngành chống dịch.
ĐB Hồ Đức Phớc nêu rõ, vùng nào tình hình dịch ổn định thì tập trung cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp - pháo đài của nền kinh tế. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Quan trọng nhất lúc này là chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo sản xuất. Nơi nào, vùng nào tình hình dịch ổn định thì tập trung cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất ở các DN - pháo đài của nền kinh tế. Nếu sản xuất ở các DN đứt gãy thì ảnh hưởng rất lớn đến nguồn hàng hóa xuất khẩu, nhất là sang EU và Mỹ”, ĐB Phớc phân tích.
Kết nối xây dựng và thực thi pháp luật
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, ĐB Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nêu thực tế nhiều nơi “chùn tay” trong mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch. Nguyên nhân xuất phát từ việc không hiểu quy định, “không biết mình thực hiện như thế có đúng quy định hay không, sau này có bị cho là làm sai không”.
ĐB Đồng Ngọc Ba đặt ra yêu cầu phải có nguồn lực để rà soát, phát hiện, hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Từ thực tế đó, ĐB Đồng Ngọc Ba đặt ra yêu cầu phải có nguồn lực để rà soát, phát hiện, hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng. Song, mấu chốt, quyết định vẫn là yếu tố con người; trực tiếp là đội ngũ những người làm công tác xây dựng pháp luật, rộng nữa là theo dõi, áp dụng quy định pháp luật.
“Đã có sự quan tâm đầu tư, nhưng đội ngũ những người làm công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, đặc biệt là về tính chuyên nghiệp, năng lực làm việc. Đưa ra một chính sách thì phải quy phạm hóa chính sách ấy thật chặt chẽ, nghe có vẻ như là chuyện kỹ thuật đơn thuần, nhưng lại vô cùng quan trọng. Những chính sách được luật hóa áp dụng vào thực tiễn dẫn đến những cách hiểu khác nhau sẽ tạo rủi ro, rào cản, vướng mắc”, ĐB Ba chỉ rõ.
Nguồn: BTV
ĐB Đồng Ngọc Ba cũng phân tích sâu một số giải pháp khác để khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong xây dựng và thi hành pháp luật. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải được kết nối với việc xây dựng các văn bản mới. Việc đưa ra chính sách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần có sự kết nối thật chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật. Bởi, hiện nay đang tồn tại sự cắt khúc, chia đoạn giữa công tác xây dựng với tổ chức thực hiện pháp luật, dẫn đến hiểu sai, áp dụng sai pháp luật.
NGUYỄN VĂN TRANG