Phát triển HTXNN chuyên ngành theo lợi thế địa phương: Nâng chất lượng và giá trị sản phẩm
Trong lộ trình chuyển đổi và phát triển các HTXNN theo kiểu mới, ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, hộ nông dân xây dựng HTXNN chuyên ngành, tận dụng tối đa lợi thế của địa phương.
Tháng 3.2021, HTX Dịch vụ và chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Phước An (huyện Tuy Phước) ra mắt với vốn điều lệ 200 triệu đồng. HTX thành lập dựa trên thế mạnh của địa phương là chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Để chuẩn bị cho việc thành lập HTX này, từ tháng 10.2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước phối hợp với UBND xã Phước An triển khai mô hình “Nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt”. Các thành viên nhóm được hỗ trợ bò giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh; 10 thành viên nuôi ban đầu 50 con bò lai các giống: 3B, Red Angus, Brahman… Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc HTX, cho biết: “Từ nhóm cùng sở thích, các thành viên thống nhất thành lập HTX để cùng phát triển. Từ khi thành lập đến nay, ngành Nông nghiệp bước đầu có hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn, định hướng phát triển và đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao Bình Định.
Cùng với việc phát triển cây trồng chủ lực, sản phẩm thế mạnh, bước tiếp theo là thành lập HTXNN chuyên ngành để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Trong ảnh: Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Theo kế hoạch, Tuy Phước đầu tư phát triển vùng chăn nuôi bò tập trung ở xã Phước An. Từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, vốn đối ứng của địa phương, xã Phước An xây dựng và đưa vào sử dụng chợ mua bán bò tập trung. Định hướng lâu dài, HTX là đầu mối để chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung tại khu chăn nuôi tập trung ở Phước An, diện tích 27 ha. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ HTX trong chăm sóc đàn bò, định hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng quy trình nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Nói về việc định hướng thành lập và phát triển các HTXNN dựa trên thế mạnh địa phương, huyện Hoài Ân được xem là một điểm sáng. Trong năm 2020, huyện thành lập 6 HTXNN chuyên ngành, gồm: HTXNN công nghệ cao La’sfarm Ân Phong, HTXNN Trà Gò Loi, HTXNN 19.4 (cùng xã Ân Tường Tây), HTX Thanh niên, HTX chăn nuôi heo thịt heo giống (cùng xã Ân Đức), HTX trồng dâu nuôi tằm xã Ân Hảo Đông. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Xuân Phong cho biết: “Thành lập các HTXNN chuyên ngành dựa trên lợi thế về vùng nguyên liệu, sản phẩm chủ lực, thế mạnh là bước đầu tiên trong việc phát triển nông nghiệp địa phương theo quy mô hàng hóa. Huyện đã xây dựng và thông qua Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới liên kết và phát triển chuyên sâu, nâng cả chất và lượng cho sản phẩm địa phương. Cùng với đó, địa phương tập trung vào phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng vùng”.
Ông Nguyễn Hữu Oanh, Giám đốc HTXNN Trà Gò Loi (xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân), khẳng định, thành lập HTX là cơ sở để thành viên liên kết với nhau cùng nâng cao chất lượng sản phẩm trà Gò Loi, khẳng định nhãn hiệu sản phẩm địa phương. Hiện cây chè Gò Loi chỉ phát triển trong quy mô diện tích không thể mở rộng ra ngoài địa bàn, do đó, hướng phát triển với trà Gò Loi là nâng chất lượng sản phẩm - tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP hoặc hữu cơ để nâng giá trị.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động thành lập mới các HTXNN theo các sản phẩm lợi thế từng địa phương, dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 có 8 HTXNN được thành lập. Các HTXNN theo chuyên ngành dựa vào lợi thế của địa phương về nguyên liệu, vùng sản xuất để hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm. Đây là cơ sở của việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Các HTXNN chuyên ngành từng bước phát triển, tận dụng thế mạnh địa phương, kết hợp công nghệ, xây dựng truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân.
THU DỊU