Vĩnh biệt nhà văn Sơn Tùng “Búp sen xanh”
“Búp sen xanh” nhà văn Sơn Tùng trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ tối 22.7 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.
Phóng viên chiến trường
Anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng xác nhận với PV, nhà văn Sơn Tùng mất tại nhà riêng lúc 23 giờ tối 227. Trước khi rời cõi tạm, nhà văn Sơn Tùng trải qua gần 20 ngày cấp cứu, hồi sức tích cực. Anh Sơn Định là người chăm sóc cha mẹ từ hàng chục năm nay, nhất là quãng thời gian nhà văn Sơn Tùng tai biến suốt 13 năm qua.
Nhà văn Sơn Tùng qua đời ở tuổi 94
Nhà văn Sơn Tùng tên thật Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 trong một gia đình nhà nho tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nguyên là phóng viên báo Tiền Phong, được cử đi chiến trường miền Nam trong thời chống Mỹ, nhà văn Sơn Tùng bị thương nặng trong trận ném bom năm 1971, là thương binh hạng 1/4. Sau quãng thời gian dài điều trị, nhà văn Sơn Tùng tiếp tục trở lại làm việc, gắn bó với báo Tiền Phong cho tới khi nghỉ hưu năm 1979.
Một số tác phẩm: Bên khung cửa sổ (1974), Nhớ nguồn (1975), Con người và con đường (1976), Búp sen xanh, Vườn nắng (1997), Trái tim quả đất (2000), Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Từ làng Sen.
Trước khi nhắc về Sơn Tùng nhà văn, ông còn là cán bộ đoàn, người làm báo cho tuổi trẻ. Từ năm 1944-1954, ông làm liên lạc cho Việt Minh, từng đảm nhiệm các vị trí cán bộ Đoàn Thanh niên từ xã cho tới huyện, cán bộ Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Nghệ An.
Cuối năm 1954, nhà văn Sơn Tùng ra Hà Nội học đại học, tiếp tục gắn bó với các hoạt động sinh viên, đoàn thanh niên. Ông làm việc cho tờ Nông nghiệp Trung ương trước khi chuyển về công tác tại báo Tiền Phong từ cuối năm 1962. Chính trong khoảng thời gian công tác tại báo Tiền Phong, nhà văn Sơn Tùng được gặp Bác Hồ vào đúng chiều 30 Tết năm 1963 khi ông đi tác nghiệp.
“Búp xen sanh” tỏa hương
Trong sự nghiệp viết văn, nhà văn Sơn Tùng được biết tới là người có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó được bạn đọc biết tới nhiều nhất là cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Sau khi nghỉ hưu, nhà văn Sơn Tùng gom góp nhiều tư liệu về Bác để viết nên “Búp sen xanh”, xuất bản năm 1982. Ý tưởng viết về cuộc đời của Bác nhen nhóm từ năm 1948 khi ông còn là cán bộ đoàn tại Nghệ An.
Nhận định về nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn”.
Vượt qua di chứng của thương tích chiến tranh, ông không ngừng tìm kiếm nhân chứng liên quan tới đề tài về Bác Bồ. Nhà văn Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học, trong đó có 13 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2011, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Theo Nguyên Khánh (TPO)