Tập trung nguồn lực cho sinh kế để nâng cao đời sống người dân
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV, chiều 23.7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tham gia thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, mục tiêu hướng tới của các CTMTQG là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Bên cạnh CTMTQG Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới còn có Chương trình Phát triển tổng thể KT-XH vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; có địa bàn thực hiện 3 chương trình, có địa bàn thực hiện 2 chương trình.
Để thống nhất trong quá trình thực hiện, ĐB Toàn đề xuất chỉ nên có một ban chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo chung các CTMTQG; các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ phụ trách, điều phối từng chương trình.
Tương tự, ở các địa phương cũng cần chỉ đạo thống nhất, nếu không kết hợp các nội dung chương trình mà chia nhỏ nguồn lực để thực hiện cùng một nội dung thì dễ dẫn đến phân tán, giảm hiệu quả.
ĐB Lê Kim Toàn cũng đề nghị cần xác định rõ đối tượng ưu tiên của các CTMTQG là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc các địa bàn khác nhau, tránh bỏ sót đối tượng.
Xung quanh các chỉ tiêu thực hiện, ĐB Toàn quan tâm đến 2 chỉ tiêu mang tính tích cực nhưng cũng không kém phần băn khoăn: đến 2025 không còn xã đạt dưới 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 10%. Nếu không bố trí đủ nguồn lực, không có sự quyết tâm, đồng lòng, phát huy vai trò chủ thể của người dân thì rất khó thực hiện đạt 2 chỉ tiêu này.
“Về các dự án cụ thể, tôi cho rằng, thước đo cuối cùng của xây dựng nông thôn mới, của giảm nghèo bền vững là đời sống người dân được nâng lên. Đường sá có to bao nhiêu, nhà cửa có đẹp bao nhiêu mà người dân còn nghèo, còn khổ, còn đói thì không nghĩa lý gì cả. Người dân phải hưởng lợi bằng những cái đong, đo, đếm được”, ĐB Toàn nhấn mạnh.
Để đời sống người dân được nâng cao, quan trọng nhất là tạo sinh kế, giúp người dân có việc làm ổn định, thu nhập bền vững. Tuy nhiên, các chương trình, tiểu dự án bố trí nguồn lực cho sinh kế quá thấp so với các nội dung khác; chẳng hạn, CTMTQG Giảm nghèo bền vững bố trí chỉ 2.800 tỷ đồng, bằng nội dung dạy nghề. ĐB Toàn đề nghị cần tập trung nguồn lực tạo ra sinh kế, các nội dung khác chỉ mang tính hỗ trợ.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cũng nhấn mạnh quan trọng nhất hiện nay là tạo sinh kế cho người dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa đã cơ bản hoàn thành, đề nghị tập trung cao độ để tạo sinh kế bền vững cho người dân.
ĐB Lý Tiết Hạnh đặt ra yêu cầu hết sức cân nhắc, tính toán, tránh lãng phí nguồn lực trong quá trình đầu tư giữa lúc cả nước đang gặp khó khăn với dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Lý Tiết Hạnh cũng đặt ra yêu cầu hết sức cân nhắc, tính toán, tránh lãng phí nguồn lực trong quá trình đầu tư giữa lúc cả nước đang gặp khó khăn với dịch bệnh Covid-19.
“Cần rà soát tổng thể các nội dung cần làm cho từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng để có sự cân đối, hài hòa. Trong phân bổ nguồn lực cần có phương án chuyển tiếp, tránh sự ngắt quãng. Nhiều địa phương còn khó khăn về vốn đối ứng; cần có phương án phân bổ nguồn ngân sách theo phân kỳ cho phù hợp, không chạy theo chỉ tiêu”, ĐB Hạnh phân tích.
Riêng với CTMTQG Xây dựng nông thôn mới, ĐB Hạnh cho rằng, trong 19 tiêu chí có những tiêu chí dễ, hầu hết các xã đã đạt, nhưng cũng có những tiêu chí vô cùng khó, như môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn thông minh... ĐB Hạnh đề nghị cần thực hiện rà soát với 80% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới có những tiêu chí nào đã đạt nhưng rồi lại bị đánh giá không đạt, với 20% số xã còn lại chưa đạt thì những tiêu chí nào khó nhất; từ đó có giải pháp tập trung khắc phục.
NGUYỄN VĂN TRANG