TỪ PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT - KINH DOANH GIỎI:
Nhiều nông hộ ở Phù Cát đã khá lên
Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân huyện Phù Cát tham gia. Hiệu quả rõ nét là phong trào đã giúp nhiều hộ nông dân tăng mức thu nhập, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, góp phần để các địa phương trong huyện thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như mô hình sản xuất giỏi, hiệu quả kinh tế cao theo hướng trồng trọt kết hợp chăn nuôi của ông Lê Công Ửng, nông dân thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm. Ông Ửng chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2006, tôi được Hội Nông dân cho tham gia lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng rừng theo dự án WB3 và được đi tham quan các mô hình trong và ngoài huyện. Ngoài ra, còn được xét hỗ trợ vay vốn với lãi xuất ưu đãi. Từ nguồn vốn và kinh nghiệm học tập được, tôi bắt đầu áp dụng trồng và chăm sóc 5 ha rừng của gia đình và mua thêm đến nay gia đình tôi có 8 ha rừng. Ngoài ra gia đình tôi còn nuôi nai để lấy nhung; nuôi bò vỗ béo… trung bình mỗi năm lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đạt trên 550 triệu đồng”.
Ông Lê Công Ửng, nông dân thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm đang tắm cho nai. Ảnh: LNT
Thông qua phát động, thực hiện phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến với những mô hình kinh tế hiệu quả. Có thể điểm kể đến: Ông Bùi Văn Dùng, ở thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh với mô hình chăn nuôi bò sinh sản chất lượng cao, bình quân hằng năm thu nhập sau khi trừ chi phí còn trên 350 triệu đồng; ông Ngô Văn Đại, ở thôn Tân Thắng, xã Cát Thắng là hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã với mô hình nuôi heo, cá thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm. Từ đó có thể thấy, phong trào đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống hội viên, nông dân được nâng lên đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu và mỗi năm có hàng nghìn hộ thoát nghèo bền vững…
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản an toàn, bền vững, hằng năm, Hội Nông dân huyện đều xây dựng kế hoạch phát động phong trào. Đồng thời, triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ hội viên, nông dân đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ra sức thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm giảm nghèo, vươn lên khá, giàu.
Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, tổ chức hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ về chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân vi sinh trong trồng trọt an toàn…
Đặc biệt Hội Nông dân huyện đã chú trọng hơn việc triển khai thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ nông dân. Thực hiện phương châm vận động đi đôi với hỗ trợ, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hơn 7,8 tỷ đồng, giúp cho 239 hội viên nông dân ở các xã, thị trấn vay đầu tư sản xuất, xây dựng các mô hình chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá lồng bè, mô hình nghề truyền thống mộc, mô hình trồng cây ăn quả….
Qua tham gia thực hiện các phong trào thi đua, nông dân đã có bước chuyển biến rõ nét trong phương thức sản xuất, theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
LƯƠNG NGỌC TẤN