Trồng rừng gỗ lớn thâm canh
Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận” triển khai trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2020 - 2022) với tổng diện tích 150 ha, trong đó năm 2020 trồng 40 ha, năm 2021 và 2022 mỗi năm trồng 55 ha.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh triển khai Dự án với quy mô 40 ha sử dụng giống keo lai mô dòng AH1, BV75 tại 2 điểm trình diễn, với 11 hộ tham gia (trồng từ 1- 4,5 ha/hộ) ở xã Canh Hiển. Các hộ dân được tham gia 2 lớp tập huấn, hỗ trợ 100% về cây giống, phân bón lót cho cây.
Hộ ông Đỗ Duy Thụy ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển tham gia mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn, cây giống keo lai mô sau khi trồng khoảng 10 tháng hiện cao khoảng hơn 2 m. Ảnh: HOÀI THU
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), cho biết: Giống keo lai mô dòng AH1, BV75 có ưu điểm sạch bệnh, rễ ăn sâu, ít phân cành, nhánh... nên hạn chế đổ, ngã do tác động bất lợi của thời tiết. Yêu cầu đối với hộ dân tham gia Dự án phải tuân thủ quy cách trồng hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 2 m, 1.660 cây/ha, rừng cây phải đạt tối thiểu 10 năm tuổi mới khai thác. Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của Dự án đặt ra: Năng suất rừng tăng tối thiểu 25% so với mô hình trồng rừng gỗ nhỏ. Mục tiêu Dự án đặt ra là tăng trưởng sinh khối gỗ bình quân đạt từ 25 - 30 m3/ha/năm. Đến năm thứ 3, chiều cao của cây trên 8 m, đường kính thân cây 9 cm ( đo tại vị trí 1,3 m tính từ gốc trở lên), tỷ lệ cây sống hơn 90%.
Trồng rừng thâm canh gỗ lớn là giải pháp phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng rừng. Tuy nhiên, do thời gian kéo dài, rủi ro lớn nên người trồng rừng không chỉ trong tỉnh mà cả nước chưa mặn mà. Theo ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, phần lớn người trồng rừng ở địa phương đều có diện tích nhỏ, tập trung trồng keo từ 4 - 5 năm thì khai thác để có vốn đầu tư trồng tiếp. Do đó, việc triển khai Dự án trên địa bàn xã ban đầu cũng khó khăn, nhưng để thực hiện theo định hướng khuyến khích trồng rừng gỗ lớn của tỉnh, địa phương đã tích cực vận động một số hộ có diện tích đất trồng rừng lớn và đáp ứng theo quy định, yêu cầu, hưởng ứng tham gia Dự án tại 2 thôn Hiển Đông (trồng 25 ha), Tân Quang (trồng 15 ha), xem như “của để dành” của họ về lâu dài...
Chiều 22.7, đưa tôi đến thăm vùng rừng thuộc Dự án tại xã Canh Hiển, ông Đỗ Duy Thụy, người có rừng tham gia Dự án tại thôn Hiển Đông, chia sẻ: Khi triển khai Dự án, chúng tôi đã đề xuất và được chấp thuận cho trồng tập trung ở các khu vực liền kề nhau trên tổng diện tích 25 ha, với 6 hộ tham gia. Theo tôi, việc liên kết này để cùng che chắn, bảo vệ rừng trồng gỗ lớn là yếu tố quan trọng giúp rừng phát triển trong thời gian hàng chục năm trước những nguy cơ tác động bất lợi của thời tiết, hoặc người trồng rừng gỗ nhỏ ở khu vực xung quanh khi họ tiến hành khai thác trong thời gian ngắn hơn...
Theo kế hoạch thực hiện Dự án, trong 2 năm 2021 và 2022 mỗi năm sẽ trồng 55 ha, các địa phương được chọn thực hiện Dự án ưu tiên cho các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm phát huy lợi thế nhiều đất trồng rừng và góp phần phát triển KT-XH, đồng thời được hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu khi xây dựng mô hình trình diễn theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông. Việc triển khai Dự án năm 2021 dự kiến triển khai tại 2 xã khác ở huyện Hoài Ân, mọi công tác chuẩn bị đã được các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp tốt, người dân muốn tham gia, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Giải thích vấn đề này ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Chúng tôi khảo sát cơ sở, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và xây dựng Dự án từ trước đây rất lâu. Nhưng đến khi triển khai thì 2 xã này không còn thuộc diện đối tượng của Dự án nữa. Để thay thế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thông báo đến các huyện trong tỉnh có các xã thuộc nhóm xã có KT-XH đặc biệt khó khăn, thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi KV III, đồng thời người dân hưởng ứng tham gia để thời gian tới phối hợp chọn địa phương đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án năm 2021.
HOÀI THU