PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM:
Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành tốt
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đặt ra yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm càng phải được chú trọng, tăng cường nhằm nâng cao ý thức tự giác của nhân dân. Đây được xem là giải pháp nền tảng để phòng, chống dịch hiệu quả.
Cơ sở thực thi pháp luật
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (được Quốc hội thông qua ngày 21.11.2007 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2008) là một đạo luật chuyên ngành, bao quát đầy đủ các vấn đề về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay, nhất là việc thi hành pháp luật đối với những hành vi vi phạm.
Huyện đoàn Phù Cát ra quân tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân, căn cứ theo quy định phân loại bệnh tại Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Tại Quyết định số 219 ngày 29.1.2020, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (thường gọi là dịch bệnh Covid-19) vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, làm cơ sở cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Có thể thấy, dịch Covid-19 được quy định tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch đối với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nhóm A, cho thấy mức độ cực kỳ nghiêm trọng, nhất là khi đây là loại dịch bệnh mới, diễn biến phức tạp mà khoa học thế giới lẫn trong nước chưa kịp nghiên cứu, hiểu hết. Trên cả nước cũng như trong địa bàn tỉnh, đợt dịch lần thứ 4 hiện nay cũng là đợt dịch nghiêm trọng nhất, gây khó khăn lớn cho công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, yêu cầu tuân thủ, chấp hành, nhất là chủ động, tự giác thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật, các quy định về phòng, chống dịch đang được đặt ra bức thiết. Tại phiên họp chuyên đề ngày 20.7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó xác định: Dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành
các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định. Do đó, Nghị quyết yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân; đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi của mỗi người dân, mọi trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định.
Chú trọng, tăng cường tuyên truyền
Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định nguyên tắc phòng, chống là “lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát là biện pháp chủ yếu”. Ông Huỳnh Vĩnh Thu, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Vừa qua, công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và dịch Covid-19 được chú trọng, tăng cường, tuy vậy vẫn còn một bộ phận nhận thức chưa tốt, dẫn đến một số vi phạm nhất định. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến rộng hơn nữa Luật và các văn bản dưới Luật, trong đó đặc biệt lưu ý việc thông tin, khai báo phải đúng sự thật, chính xác, kịp thời, đầy đủ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong tháng 2 và 4.2020, Bộ Tư pháp đã liên tiếp ban hành 2 công văn về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19. Tại Bình Định, UBND tỉnh cũng có công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện (Công văn 981/UBND-NC ngày 24.2.2020) trong đó nhấn mạnh việc quán triệt, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống dịch. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kết hợp thông tin đầy đủ diễn biến tình hình dịch Covid-19. “Để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, hiệu quả trong tình hình dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nỗ lực, linh hoạt thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn và từng nhóm đối tượng, địa bàn cụ thể”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết.
Công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Hiệu quả từ việc cả xã hội tuân thủ pháp luật về phòng, chống dịch được xem là “lá chắn” vững chắc để ngăn ngừa, đẩy lùi; ngược lại một vài vi phạm nhỏ cũng có thể “đổ sông, đổ biển” cả quá trình nỗ lực, thành quả của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chủ động, tự giác thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống dịch đang là “mệnh lệnh”, là cách thiết thực nhất để mỗi người chung tay phòng, chống dịch.
SAO LY