Đảm bảo đầu tư công hiệu quả trong điều kiện ngân sách khó khăn
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV, sáng 24.7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh bày tỏ băn khoăn về dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 chỉ ở mức 10%, bằng giai đoạn 2016 - 2020. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế vĩ mô được điều hành trong điều kiện bình thường, chỉ có năm 2020 phát sinh dịch bệnh Covid-19, nhưng 3 đợt dịch không ảnh hưởng nhiều đến tình hình KT-XH. Với giai đoạn 2021 - 2026, ngay năm đầu tiên đã gặp ngay đợt dịch lớn, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, đến các địa phương là đầu tàu kinh tế của đất nước.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề xuất tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án (DA) chưa thật sự cần thiết, cấp bách. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
“Kinh tế phát triển trong điều kiện không còn bình thường nữa, tới đây chưa rõ sẽ phải chi những gì. Để chủ động trong đảm bảo nhiệm vụ chi Quốc gia, tôi đề nghị cần cân nhắc tăng dự phòng ngân sách Trung ương lên 15%”, ĐB Lý Tiết Hạnh nói.
Việc tăng mức dự phòng phải gắn với các giải pháp “thắt lưng buộc bụng”, đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải. ĐB Hạnh đề xuất tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án (DA) chưa thật sự cần thiết, cấp bách. Đồng thời, tập trung đầu tư dứt điểm các DA trọng điểm quốc gia mang tính dẫn dắt, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững trong thời gian đến.
“Cần tập trung đầu tư cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế dự phòng; cùng các DA, công trình giao thông kết nối. Theo tôi, DA đường ven biển rất quan trọng, cần phải quan tâm”, ĐB Hạnh đề xuất.
Liên quan đến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, trong đầu tư công quan trọng là phải phân bổ vốn kịp thời, đúng kế hoạch và DA có đầy đủ thủ tục.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc phân bổ vốn cơ bản thực hiện kịp thời, nhưng trong thực tiễn vẫn còn những lĩnh vực, DA phân bổ vốn còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tổng vốn đầu tư công là 2 triệu tỷ đồng. Kết quả thực hiện, nguồn vốn đầu tư của địa phương vượt 200 nghìn tỷ đồng; còn vốn Trung ương hụt mất 130 nghìn tỷ đồng, nguyên nhân chính là thu không đủ cân đối nguồn chi.
ĐB Lê Kim Toàn cho rằng, muốn DA đúng tiến độ thì phải chuẩn bị tốt, kỹ càng, phân bổ vốn kịp thời, triển khai thực hiện đồng bộ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Kế hoạch 5 năm tiếp theo, tổng vốn đầu tư công dự kiến tăng lên 2,7 triệu tỷ đồng. ĐB Toàn cho rằng, đây là xu hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Song, tới đây dự kiến nguồn thu càng khó khăn. Các tỉnh, thành có nguồn thu lớn, điều tiết về ngân sách Trung ương đều bị dịch bệnh tác động rất mạnh; chưa kể tăng các khoản chi cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, thiên tai bão lũ...
“Đây là vấn đề rất lớn đặt ra, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc hết sức kỹ nguồn thu, đảm bảo cân đối được tổng vốn 2,7 triệu tỷ đồng. Nếu tính toán không kỹ, ta xây dựng kế hoạch trên số ước, chưa lường đến hậu quả phát sinh thì sẽ khó thực hiện theo kế hoạch”, ĐB Toàn phân tích.
Bên cạnh đó, ĐB Toàn lưu ý các thủ tục đầu tư phải đảm bảo. 5 năm tới đây, Chính phủ cắt giảm nhiều, chỉ còn 5.000 DA khởi công mới trên toàn quốc, cơ bản đã hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn 500 DA chưa hoàn tất thủ tục, thậm chí chủ trương chưa có nhưng vẫn đưa vào trong kế hoạch.
Hiện có 2 luồng ý kiến. Một là, QH vẫn thông qua kế hoạch, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục trước khi giao vốn. Hai là yêu cầu 500 DA đó phải hoàn tất thủ tục, trình QH trước khi QH biểu quyết thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn làm cơ sở giao vốn.
“Đây là một bài toán khó, đẩy cái khó cho QH. Chủ trương đầu tư rất quan trọng, tôi đề nghị từ nay đến khi bế mạc phiên họp QH cần yêu cầu 500 DA phải bổ sung chủ trương đầu tư, sau này mới xem xét phê duyệt. Nếu chẳng đặng đừng vì điều kiện dịch bệnh, cần rà soát lại danh mục, DA nào thật sự cấp bách thì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Chính phủ hoàn tất thủ tục, cho chủ trương đầu tư trước khi giao vốn; số còn lại đưa ra khỏi danh sách”, ĐB Toàn đề xuất.
ĐB Lê Kim Toàn cũng rất quan tâm đến yếu tố thực hiện đúng tiến độ, tránh kéo dài DA, nhất là trong điều kiện ngân sách, nguồn lực đầu tư hạn chế. Muốn đúng tiến độ thì phải chuẩn bị tốt, kỹ càng, phân bổ vốn kịp thời, triển khai thực hiện đồng bộ.
Hiện có 12 DA phải hoàn thành trong giai đoạn 2017 - 2018 nhưng đề nghị cho kéo dài đến năm 2021, trong khi QH đã có nghị quyết chỉ có DA trong giai đoạn 2019 - 2020 mới được kéo dài qua năm 2021.
Không đồng tình với phương án đồng ý cho kéo dài DA, ĐB Toàn theo phương án hủy kế hoạch đầu tư công, đưa DA chậm trễ vào giai đoạn đầu tư công của nhiệm kỳ này.
“Ta không cứng nhắc vì DA đã triển khai rồi, nhưng không thể dễ dãi, mà phải thượng tôn pháp luật. Các DA trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước chưa hoàn thành, không nghiễm nhiên “automatic” kéo dài chuyển sang giai đoạn sau; mà phải dừng, kết thúc giai đoạn thực hiện đó, làm thủ tục lại, vẫn nguồn vốn cũ nhưng ghi thu, ghi chi và ghi vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn mới. Phải làm thủ tục như thế, coi như lời nhắc nhở, cảnh báo, để các DA tiếp theo chấm dứt tình trạng này”, ĐB Toàn nhấn mạnh.
Cuối cùng, sau khi DA hoàn thành đúng tiến độ thì đưa vào sử dụng phải có hiệu quả trên đồng vốn đầu tư, phát huy được tác dụng. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình ngày càng khó khăn, nguồn thu thấp đi, nguồn chi ngoài kế hoạch tăng lên, bên cạnh tiết kiệm, nâng cao tính hiệu quả của DA thì cần có chủ trương rà soát, những DA nào chưa thật sự cấp bách như trụ sở, phương tiện thì đề nghị tạm hoãn, chưa bố trí nguồn vốn. Vốn tập trung cho công tác phòng, chống dịch để trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo nền tảng xã hội vững chắc để phát triển KT-XH. Khi điều kiện trở lại bình thường thì những công trình đó được đưa lại vào kế hoạch chứ không loại bỏ hoàn toàn.
NGUYỄN VĂN TRANG