Nhạc công Ðinh Văn Hiệp: Thăng hoa trên khuôn nhạc ngũ cung
Gần 30 năm công tác tại Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh, anh Ðinh Văn Hiệp với vai trò nhạc công chính đã âm thầm góp sức cho các vở diễn của đoàn thành công. Ðặc biệt, anh có các tiết mục biểu diễn độc tấu nhạc cụ truyền thống đạt giải cao tại nhiều cuộc thi.
“Mê cây đàn nhị” từ nhỏ
Đinh Văn Hiệp (45 tuổi) sinh trưởng trong đại gia đình theo nghệ thuật truyền thống. Cha anh là Đinh Cao Dũng, nguyên nhạc công Đoàn tuồng Đào Tấn, mẹ Phan Thị Trúc Mai, nguyên diễn viên tuồng; hai người bác là NSND Đinh Quả, NSƯT Đinh Thái Sơn, còn cô, dượng là NSƯT Đinh Thị Bích Hải, NSND Võ Sĩ Thừa đều là những nghệ sĩ tuồng, bài chòi nổi tiếng. Hai người anh ruột là NSƯT Đinh Văn Nhân và Đinh Văn Công hiện là nhạc công bài chòi, tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Lúc rảnh rỗi, nhạc công Đinh Văn Hiệp luyện lại đàn nhị để giữ ngón. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sống trong không gian âm nhạc truyền thống ấy, từ nhỏ Đinh Văn Hiệp đã được cha dạy đàn cò (đàn nhị) để phát triển năng khiếu, bồi đắp đam mê âm nhạc truyền thống. Anh Hiệp kể: “Khi còn học tiểu học, cha tập cho tôi kéo đàn nhị với các bài nhạc cơ bản, như: Lý thương nhau, Lý thượng, Trống cơm… Từ đó, tôi mê cây đàn nhị, hết giờ học về nhà là ôm đàn tập cho thuần thục”. Tốt nghiệp THCS, Đinh Văn Hiệp được tuyển vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định (nay là Trường CĐ Bình Định) học lớp trung cấp dân ca khóa III, chuyên ngành đàn nhị (niên khóa 1990 - 1992), đào tạo trong thời gian 1,5 năm.
Biết sử dụng đàn nhị từ trước, khi vào trường học chuyên ngành, anh Hiệp được thầy là NSƯT Nguyễn Cung Nghinh tận tình dìu dắt, chỉ dạy về chuyên môn, kỹ thuật biểu diễn đàn nhị của anh ngày càng nâng cao. Anh Hiệp xúc động hồi tưởng: “Trong trường, tôi được thầy Nghinh dạy theo phương pháp truyền ngón, thầy đàn tới đâu thì tôi đàn theo tới đó, rồi thầy chỉ dạy thêm và sửa lại ngón đàn, rồi học thêm các làn điệu bài chòi cổ, như: Xàng xê, Xuân nữ, Cổ bản…; các bài Lý chiêu quân, Vọng kim lang… Thú thực hồi đó tôi học giỏi đạt học bổng trong suốt khóa học, nhưng mà tuổi trẻ còn ham chơi, nên khi thầy đưa bài về nhà tập để đến buổi học sau lên đàn trả bài, nhưng tôi chỉ ráng tập đàn cho thuộc khoảng nửa bài để đối phó cho qua buổi học. Sau này ra trường đi làm mới thấy thương thầy và tự trách bản thân mình không chịu học hết các bài bản để rồi đàn được, nên tôi phải vừa làm vừa học thuộc lại các bài bản để làm nghề”.
Gắn bó với âm nhạc cổ truyền
Sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp dân ca vào giữa năm 1992, Đinh Văn Hiệp được nhận về làm nhạc công tại Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Vị trí chính trong dàn nhạc là nhạc công đàn nhị, nhưng trong quá trình công tác, anh Hiệp có bước rẽ ngẫu nhiên sang làm nhạc công đàn organ - loại nhạc cụ hiện đại mà anh chủ yếu tự học, anh lý giải: “Tôi về đoàn được vài năm thì anh nhạc công organ của đoàn sắp về hưu, không có người thay thế, anh ấy bèn dạy sơ qua về cây đàn organ, rồi tôi tự tập đàn theo bài bản của bài chòi. Vậy là tôi bén duyên trở thành nhạc công đàn organ của đoàn tới giờ hơn 20 năm mà vẫn chưa có người thay thế để tôi quay lại làm nhạc công đàn nhị trong dàn nhạc cho đúng chuyên môn”.
Lúc mới về công tác, mức thu nhập thấp nên anh Hiệp cũng như nhiều nhạc công khác trong đoàn phải chạy sô thêm bên ngoài kiếm thêm thu nhập nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Dù có đam mê nhưng với mức lương quá thấp, nhiều đồng nghiệp của anh dần nghỉ việc. “Tôi cũng nhiều lần tính nghỉ việc để ra ngoài tìm việc khác làm, song cha mẹ với các anh động viên ráng ở lại làm. Cứ nghe lời khuyên nhủ ráng làm hết năm rồi tính tiếp, cứ “ráng” như vậy mà nay đã ngót ngét gần 30 năm”, anh Hiệp mỉm cười.
“Văn ôn, võ luyện” - phải ôn tập, rèn luyện nhiều mới giỏi, chuyển vị trí đàn organ anh Hiệp ít đụng tới đàn nhị, nhưng ngón đàn của anh Hiệp vẫn không hề sút kém nên khi có liên hoan hay cuộc thi, hội diễn sân khấu toàn quốc, anh trai NSƯT Đinh Văn Nhân - chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định lại phân công Đinh Văn Hiệp làm nhạc công chính đàn nhị, cùng luyện ngón để góp sức với tập thể dàn nhạc Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi. Cá nhân anh Hiệp đạt giải nhì độc tấu đàn nhị tiết mục “Tiếng vọng” (sáng tác NSƯT Đinh Văn Nhân) và tiết mục “Lý tang tít, xàng xê, xuân nữ, hò giã vôi” tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2010. Với những đóng góp trong quá trình công tác, nhạc công Đinh Văn Hiệp đã được Hội đồng cơ sở xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 - năm 2021 xét chọn hồ sơ để trình Hội đồng cấp tỉnh xem xét, đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu NSƯT. “Đây là một vinh dự to lớn cho bản thân để tôi tiếp tục nỗ lực, cống hiến hơn nữa góp phần phát huy “hồn cốt” của nhạc cụ dân tộc, bản sắc nghệ thuật bài chòi cho thế hệ mai sau...”, anh Hiệp tâm tình.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN