Thực hiện bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030: Cần tích cực vào cuộc sớm
Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 được UBND tỉnh ban hành ngày 8.7.2021 có 6 mục tiêu lớn với những chỉ tiêu, giải pháp thể hiện quyết tâm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới từ gia đình đến ngoài xã hội. Ðể mọi mục tiêu “về đích đúng hẹn”, cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực ngay từ đầu.
Nền tảng thuận lợi
Kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn trước đã tạo những chuyển biến rất tích cực, giúp giai đoạn này “đề pa” dễ dàng hơn. Hai mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” và “bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, đến năm 2021 đã đạt được những bước tiến đáng phấn khởi. Kết quả sau Đại hội đảng các cấp và Đại hội đảng bộ tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp cơ sở đều tăng từ 4,8 - 11,2% so với nhiệm kỳ trước. Mới đây, kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ đại biểu nữ cũng tăng cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước. Ở các địa phương, các cấp hội phụ nữ cơ sở phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, các ban, ngành, hội, đoàn thể thành lập và duy trì hàng chục CLB, mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; góp phần giảm hoặc chấm dứt tình trạng bạo lực trong nhiều mái nhà. TX An Nhơn đang duy trì 11 CLB về bình đẳng giới. Mỗi năm, Hội LHPN thị xã phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức những cuộc thi để nâng cao nhận thức về giới, phòng chống bạo lực ở phụ nữ và trẻ em. “Các CLB thu hút ngày càng đông hội viên, hoạt động phong phú, sôi nổi. Theo đó, những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, nhất là tình trạng bạo lực trong gia đình giảm hẳn”, bà Châu Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN TX An Nhơn cho hay.
Chị Út và chồng do công việc nên thường xuyên sống xa nhau. Dù vậy, chị luôn kết nối để ba cha con nói chuyện, thăm hỏi nhau.
- Trong ảnh: Chị chơi với hai con trước sân nhà.
Trên những nền tảng thuận lợi có được từ kết quả thực hiện chiến lược giai đoạn trước, 6 mục tiêu trong chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 ở 6 lĩnh vực (chính trị; kinh tế, lao động; đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông) đang có hy vọng “về đích đúng hẹn”, tiếp tục thu hẹp khoảng cách về giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Mục tiêu nào giải pháp ấy
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Kế hoạch hướng dẫn thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đã đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện từng mục tiêu một. Những giải pháp ấy được căn cứ trên cơ sở tổng hợp tình hình thực tế của các địa phương và cả tháo gỡ những vướng mắc tồn tại từ giai đoạn trước. Đề cao việc lồng ghép các chỉ tiêu vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH tại địa phương, ông Hùng cho rằng, quá trình xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược trên địa bàn, các địa phương cần đảm bảo lộ trình và chú trọng thực hiện việc lồng ghép. “Hiện tại ở cấp xã không có cán bộ chuyên trách công tác gia đình và bình đẳng giới. Do đó, thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu của chiến lược vào các chính sách, chương trình, kế hoạch khác đang triển khai trên địa bàn sẽ tận dụng được các nguồn lực sẵn có, gồm cả nhân lực và kinh phí để tối đa hóa kết quả, hiệu quả”, ông Hùng phân tích.
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, theo các chuyên gia, để chiến lược đạt được những mục tiêu đã đề ra, công tác tuyên truyền cần được tăng cường để tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong suy nghĩ, hành động của từng phụ nữ, nam giới. Ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), nhiều chị em phụ nữ tích cực phấn đấu làm kinh tế giỏi, trau dồi, cập nhật kiến thức, tôn trọng, thương yêu nhưng không còn tư tưởng “phụ thuộc vào chồng” nữa. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây đều là nữ, có quá trình phấn đấu, phát triển liên tục, được người dân tin tưởng, tín nhiệm với phong cách “nói đi đôi với làm”. Bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây cho biết, những mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược bình đẳng giới là sự quan tâm của các cấp đến phụ nữ nhưng quan trọng hơn cả là bản thân chị em phải chủ động, chịu khó, nỗ lực phấn đấu, khẳng định mình và thuyết phục mọi người.
Ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn), cô giáo mầm non Lê Thị Út tối nào cũng cùng hai con trò chuyện online với chồng đang công tác tại Trung đoàn Bộ binh 95 ở tỉnh Đắk Lắk. Hiểu tâm lý chồng ở xa nhà, chị tinh tế tạo niềm vui, sự thoải mái, tin tưởng, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Chị bảo, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính. Hãy đặt mình vào người khác và ngược lại. Chủ động nhưng không chủ quan, hãy bắt đầu từ mình - nhận thức, thay đổi, hành động, yêu thương, sẻ chia và thấu hiểu...
Một số mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023: Ðến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,8 lần vào năm 2025 và dưới 1,5 lần vào năm 2030 so với nam giới. Ðến năm 2025 có 80% và đến 2030 có 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản…
NGỌC TÚ