Tuy Phước: Cần sớm nối lại đoạn đường bị lũ tàn phá
Cơn lũ lịch sử giữa tháng 11.2013 đã qua đi hơn 4 tháng, nhưng hơn 100 m đường bê tông kết hợp tuyến đê sông phía bờ bắc hạ lưu đập Thạnh Hòa, thuộc địa phận thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, hiện còn ngổn ngang những mảng bê tông trên đồng ruộng. Đây là con đường đi lại thường xuyên của hàng trăm hộ dân ở 5 thôn: Tri Thiện, Lộc Ngãi, Định Thiện Tây, Định Thiện Đông, Phục Thiện của xã Phước Quang và là con đường huyết mạch thông thương nối với QL 1A thuộc địa phận thị xã An Nhơn.
Có mặt tại “hiện trường”, chúng tôi chứng kiến cảnh một số mảng bê tông lớn vẫn còn nằm ngổn ngang trên đồng ruộng. Con đường bị nước lũ khoét sâu, để lại những tảng đá lớn lởm chởm như một công trường khai thác đá, khiến cho người dân đi lại nơi đây vô cùng vất vả và nguy hiểm. Hàng ngày có hàng trăm lượt người buộc phải lưu thông qua đây, họ phải tận dụng mương dẫn nước vừa hẹp, vừa gập ghềnh kề bên để đi tạm và chỉ có xe 2 bánh mới có thể đi được, nhưng phải đi từng lượt người. Đã có không ít người đi đường bị rơi xuống mương nước bởi sự trắc trở của lối đi.
Ông Nguyễn Thành Long (70 tuổi, một người dân thôn Tri Thiện), là người có ruộng ở đây, tỏ ra lo lắng: “Mùa màng đang đến gần, tôi và mấy bà con ở vùng ruộng này càng thêm lo âu vì sắp tới không biết lúa thóc sẽ vận chuyển như thế nào đây. Bà con nơi đây rất mong các cấp, các ngành quan tâm sớm khôi phục lại đoạn bị đứt gãy để giao thông không bị tắc”.
Nỗi lo của những người dân khu vực này là có cơ sở, khi mà vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân đang đến gần. Trước đó, với quyết tâm không bỏ ruộng hoang, bà con nhân dân đã cùng với các chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 572 hốt cát, thu gom đất đá rơi vãi trên 10 ha ruộng để tiếp tục sản xuất trên cánh đồng Mả Linh. Tuy đã khắc phục một phần khó khăn trong sản xuất nhưng họ vẫn phải đối mặt với bất trắc từ con đường hư hỏng chưa được khắc phục.
Được biết để khắc phục toàn bộ đoạn đê bờ bắc hạ lưu đập Thạnh Hòa kết hợp đường giao thông huyết mạch này phải cần ít nhất 35 tỉ đồng, số tiền trên vượt ngoài khả năng của huyện. Ông Trần Kỳ Quang - Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: Với khoản kinh phí khá lớn như vậy, nên việc khắc phục kịp thời đoạn sạt lở này là rất khó. Trước mắt UBND huyện Tuy Phước đã lập dự án trình UBND tỉnh phê duyệt và xin nguồn kinh phí của trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia chống sạt lở đê sông.
Trong khi chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương, trước mắt để phục vụ cho người dân trong vùng đi lại thuận lợi, an toàn và phục vụ lao động sản xuất, người dân xã Phước Quang rất mong các cấp, các ngành chức năng của huyện có phương án khắc phục tạm thời con đường này.
Thanh Nghiêm