Dưa hấu... “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Dưa hấu “được mùa, rớt giá” - nông dân khổ… Điệp khúc lẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại giống như chiếc “vòng kim cô” đeo trên đầu người nông dân dãi nắng dầm sương. Hệ quả, cái nghèo cứ bám riết lấy nhà nông. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp thì vẫn chưa thể tìm ra hướng phát triển bền vững cho các loại hoa quả, nông sản mà vốn dĩ luôn bấp bênh.
Khoảng một tháng nay, có dịp về các vựa dưa hấu trên địa bàn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát… ta dễ bắt gặp những tiếng thở dài, những khuôn mặt hốc hác, mắt thâm quầng vì mất ngủ của người nông dân trồng dưa vì đầu ra bị tắc. Thực tế, để những sào dưa đâm hoa, kết quả, ngoài chi phí đầu tư mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… lên đến hàng chục triệu đồng, người trồng dưa còn phải “ăn dầm nằm dề” để chăm sóc những luống dưa với hy vọng mùa dưa hấu năm nay sẽ được giá để hưởng trọn niềm vui bội thu. Thế nhưng, thực tế nhiều năm nay thì… người trồng dưa không chỉ thiệt đơn mà thiệt kép bởi vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”. Qua chuyện dưa hấu tắc đầu ra lần này, tôi nhớ đến câu nói cách đây 1 năm của một lão nông có thâm niên 20 năm trong nghề trồng dưa hấu, rằng: “Người ta bảo con người sống chết có số thì nghề trồng dưa hấu cũng vậy. Cái “được” và “mất” có ranh giới rất mong manh. Vì có thể hôm nay, dưa có giá, thương lái mua cào, mua xô; mai rớt giá, thương lái lặn mất tăm… người trồng “ôm” một mình”.
Thời gian qua, bà con nông dân trong tỉnh trăn trở, mong muốn tìm cách làm giàu phù hợp. Thế nhưng, đáng tiếc là hiện nay nhiều nông dân trồng dưa hấu, cũng như việc nuôi, trồng một số con, cây mang tính tự phát; thiếu sự tư vấn sản xuất và sự hỗ trợ tìm kiếm thị trường của cơ quan chức năng nên hầu như nông dân “tự bơi” là chính. Hậu quả là, cứ hễ thấy ai, ở đâu đó nuôi con gì, trồng cây gì có lãi trước mắt thì nhiều người cũng bắt chước làm theo. Cuối cùng, sản phẩm rơi vào tình trạng hàng “dội chợ” buộc phải cạnh tranh, bán phá giá.
Bà con mong các cơ quan chức năng cần quan tâm định hướng, khuyến cáo cách thức làm ăn để bà con chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả theo hướng bền vững, tránh tình trạng như vụ dưa hấu này, và để khỏi phải nhắc lại câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”...
HẠNH NHI