Tiếp sức cho hoạt động thiện nguyện
Để các hoạt động thiện nguyện đạt hiệu quả như mong muốn, không thể không kể đến vai trò của đội ngũ tình nguyện viên, bởi họ tham gia vào hầu hết các khâu lớn nhỏ, xuyên suốt từ đầu đến cuối hoạt động.
Những ngày qua, 10 tài xế của Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Sen Việt thay nhau lái xe, nấu cơm, khuân vác tổng cộng 61 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm lên xuống xe và vào tận TP Hồ Chí Minh. Anh Phan Minh Phụng, một trong số các tài xế, chia sẻ: “Công việc quá tải, anh em cũng đuối lắm, nhưng lại động viên nhau. Suốt dọc đường đi, nhiều công nhân khu công nghiệp ra xin từng bó rau, gói mì tôm, lại thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa, nhiệm vụ đã nhận phải hoàn thành tốt bởi đó là nghĩa tình của người dân Bình Định gởi đến người dân miền Nam”.
Cả 10 tài xế của Chi hội Sen Việt đã sẵn sàng lên đường phục vụ những chuyến hàng tiếp theo vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Chi hội Sen Việt
Tình nguyện viên không phân biệt độ tuổi, ngành nghề, điểm chung của họ là tinh thần và thái độ phục vụ nhiệt tình, không vụ lợi. Vì điều gì à? Nhiều người cho biết, họ thích làm vậy vì thương người khó, để hồi hướng công đức cho người thân. Người trẻ tuổi hơn thì bảo mình học được nhiều kỹ năng, rèn được tính tình, suy nghĩ, lối sống tích cực và nhìn đời “rõ” hơn với nhiều cảm thông, chia sẻ. Cách đây mấy ngày, hễ ai gặp bà Nguyễn Thị Tám (ngoài 70 tuổi) tại Văn phòng của Hội CTĐ tỉnh lúc bà đang đẩy xe cút kít chở 2 bao bí to ra xe tải để chở vào TP Hồ Chí Minh, mà có ý cản là bà… đuổi: “Tụi con để má làm, má muốn vậy, muốn góp sức mình giúp người khó khăn”.
Bà Tám có lẽ là tình nguyện viên cao tuổi nhất hiện nay, còn trẻ tuổi nhất có lẽ là bạn Đỗ Nguyễn Trung Nguyên (18 tuổi), hội viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo SOS 77. “Em đi theo mấy anh, mấy chú đi vá xe, sửa xe, cấp cứu người bệnh trong tỉnh. Em thấy rất vui vì đã học được nhiều kỹ năng, đặc biệt là biết sống, biết nghĩ cho người khác, nhất là những người yếu thế”, Nguyên chia sẻ.
Không ít tình nguyện viên sau một thời gian tham gia hoạt động đã tự nguyện trở thành nhà tài trợ như anh Nguyễn Văn Nghĩa ở Chi hội Bác Ái Tuy Phước. Trong 7 năm hoạt động thiện nguyện, anh là tài xế chính của Chi hội và đã đóng góp hơn 80 triệu đồng hỗ trợ sơn cho hơn 300 căn nhà tình thương; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho chốt kiểm dịch, hàng nghìn chai sát khuẩn tay, khẩu trang… “Công việc kinh doanh khá bận rộn nhưng tôi cố gắng thu xếp thời gian để có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh”, anh Nghĩa bảo vậy.
Theo người đứng đầu các hội, nhóm, CLB thiện nguyện, các tình nguyện viên thật sự là người truyền lửa, tiếp sức, tạo động lực để “thủ lĩnh” mạnh dạn tổ chức thêm nhiều hoạt động hỗ trợ người khó khăn khác. Đặc biệt những lúc xảy ra thiên tai, địch họa, lực lượng tình nguyện viên các hội, nhóm tích cực đi vận động, kêu gọi, quyên góp, rồi xúm lại đóng gói, vận chuyển đi khắp nơi. Bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hoài Ân, cho biết, những ngày qua, hàng trăm món quà quê chuyển vào giúp người dân khó khăn ở TP Hồ Chí Minh là từ vườn nhà, tiền túi, công sức, thời gian của tình nguyện viên mà ra.
NGỌC TÚ - LINH DƯƠNG