Uống nước nhớ nguồn
Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tỉnh ta luôn quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2021), Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang đã chia sẻ về những cách làm sáng tạo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người có công.
Hẳn ông đang muốn nói đến việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ xác nhận người có công tồn đọng thời gian qua?
- Đúng vậy. Thực hiện yêu cầu giải quyết dứt điểm số hồ sơ xác nhận người có công tồn đọng trước ngày 31.7.2021, sau khi khảo sát thực tế tại các địa phương, nhất là những nơi cán bộ phụ trách là người mới, đang gặp không ít lúng túng, Sở LĐ- TB&XH đã cử cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ cơ sở rà soát lại toàn bộ hồ sơ đang tồn đọng, phân loại số đủ điều kiện, hướng dẫn cách hoàn chỉnh theo đúng quy trình, trình tự, thủ tục hiện hành. Giải pháp này giúp hạn chế việc hồ sơ làm đi làm lại nhiều lần, gây phiền hà cho người dân. Nhờ đó, trong tháng 7 này, Sở báo cáo Ban Chỉ đạo xác nhận người có công của tỉnh thẩm định 44 hồ sơ, trong đó có 32 hồ sơ thương binh, 12 hồ sơ liệt sĩ. Đồng thời, tiếp nhận xét duyệt và giải quyết chế độ trợ cấp cho 492 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân có hồ sơ đã được hoàn chỉnh và chấp nhận.
ĐVTN thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (ảnh chụp trước tháng 4.2021). Ảnh: HỒNG PHÚC
Một ví dụ khác là công tác phối hợp chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện triển khai hơn 1 năm qua. Trong quá trình thực hiện, Sở thường xuyên trao đổi với Bưu điện tỉnh, cập nhật diễn biến thực tế để có giải pháp dự lường cho khó khăn phát sinh. Theo đó, hai bên đã thống nhất chi trả một lúc hai tháng 7 - 8.2021 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có lẽ Sở và Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục bàn giải pháp để vừa đảm bảo việc chi trả vừa góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Còn giải pháp cho công tác chăm lo đời sống người có công thì thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, tổng số người có công trên địa bàn tỉnh là 34.010 người. Trong đó, có 2 lão thành cách mạng, 21 cán bộ tiền khởi nghĩa, 229 mẹ Việt Nam anh hùng, 14.571 thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh… Ngành LĐ- TB&XH cùng các cấp, ngành luôn tích cực vận động toàn xã hội quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của họ. Nhờ đó, bên cạnh các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, đang có một số tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chu cấp kinh phí điều trị bệnh, tặng quà hỗ trợ số gia đình gặp khó khăn đột xuất.
Tỉnh đã thực hiện hoàn thành Đề án 22 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, 6.173 hộngười có công đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hỗtrợtrên 194 tỷ đồng. Ngoài ra, từ thực tế thiên tai làm phát sinh số nhà ở của hộ người có công bị hư hỏng, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021 - 2025.
Liên quan đến người có công đã khuất, năm 2021, tỉnh được Bộ LĐ-TB&XH cấp 6,5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ cùng một số hạng mục khác. Đồng thời, ngành LĐ-TB&XH cũng kêu gọi, vận động nguồn lực trong xã hội hỗ trợ kinh phí sửa sang một số nghĩa trang trong tỉnh. Các hội, đoàn thể chung tay quét dọn, trồng cây, nhổ cỏ, đảm bảo sự trang nghiêm, sạch đẹp, góp phần phục vụ tốt công tác thăm viếng các phần mộ liệt sĩ.
Vậy theo ông, ngành LĐ- TB&XH cần làm gì để tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân vào công tác đền ơn đáp nghĩa?
- Dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố vẫn tổ chức nhiều hình thức đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, các đơn vị làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho thương binh, bệnh binh, quân nhân. Một số địa phương tổ chức chương trình Thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Ngành LĐ- TB&XH đã tổ chức triển khai tặng 43.303 suất quà của Chủ tịch nước nhân dịp 27.7 kịp thời cho người có công với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng; tổ chức tu bổ, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ; trích từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, thăm tặng quà người có công và thân nhân đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và Điều dưỡng người có công tỉnh.
Để huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho mỗi người dân. Đẩy mạnh kêu gọi, vận động cộng đồng DN, các tổ chức, nhà hảo tâm hưởng ứng phong trào Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn và kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt. Khuyến khích, tạo điều kiện để những thương binh, bệnh binh tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để đảm bảo mọi chế độ cho người có công và thân nhân.
Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)