ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI:
Cảnh báo chính xác, hạn chế thiệt hại
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp cơ sở dữ liệu chuyên sâu khiến mức độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng cao. Nhờ đó chính quyền có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành; giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Nhiều năm nay, cùng với việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống thiên tai (PCTT) góp phần tích cực trong chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Đơn cử, với sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế và nguồn lực của tỉnh, việc ứng dụng KHCN vào quan trắc cảnh báo thiên tai ngày càng hoàn chỉnh; mạng lưới quan trắc khí trượng thủy văn được thiết lập ở các lưu vực sông hồ, hồ chứa nước lớn; các bản đồ rủi ro từng loại hình thiên tai được xây dựng ngày càng chi tiết, đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin tham mưu phục vụ lãnh đạo các cấp chỉ đạo điều hành.
Một ví dụ, dữ liệu do các trạm đo mưa chuyên dùng tự động được kết nối trực tuyến, liên tục cập nhật lên cơ sở dữ liệu dùng chung; với ứng dụng trên thiết bị di động, cán bộ theo dõi hoàn toàn có thể trích xuất mọi thông tin mình cần, một số tiêu chí còn được hệ thống cảnh báo tự động. Đến nay, toàn tỉnh lắp đặt gần 100 trạm đo mưa tự động, trong đó 30 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ PCTT; 600 điểm quan trắc lũ cộng đồng; các trạm quan trắc mực nước ở các hồ chứa…
Trạm quan trắc mực nước tự động cảnh báo sớm lũ tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Ảnh: Chi cục thủy lợi cung cấp
“Tất cả các số liệu, thông tin liên quan đến PCTT được tích hợp về máy chủ tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy). Tại đây chúng được nạp vào cơ sở dữ liệu chung; nhờ các phần mềm phân tích của hệ thống chúng trở thành dữ liệu cảnh báo sớm về nguy cơ thiên tai. Hãy hình dung thế này, khi có một cơn mưa, chúng ta chỉ nhìn thấy mưa lớn, mưa nhỏ bằng ước lượng cảm tính, nhưng khi hàng trăm trạm đo mưa chuyển dữ liệu về, hệ thống sẽ định lượng các hồ chứa đã tăng lên bao nhiêu, tới mực nước cảnh báo nguy cơ chưa, dòng chảy về hạ lưu mạnh hay yếu... Tùy theo mức độ mà các kỹ thuật viên sẽ chuyển thành cảnh báo sớm về nguy cơ lũ quét, ngập lụt để chính quyền và các ngành đưa ra chỉ đạo phù hợp”, ông Nguyễn Tường Vĩ, chuyên viên PCTT - Chi cục Thủy lợi Bình Định, cho biết.
Trong PCTT, chủ động phòng ngừa được đánh giá là hiệu quả hơn hẳn và là yếu tố quan trọng quyết định khả năng hạn chế thiệt hại. Đến nay, dù mới chỉ ở mức độ cơ bản nhưng nhiều cảnh báo sớm của hệ thống đã góp phần rất tích cực. Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy, phân tích: Trong cảnh báo thiên tai, thông tin đưa sớm 1 giờ là quý 1 giờ. Chẳng hạn, một cơn lũ lớn ở thượng nguồn hình thành và chảy về hạ lưu trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ, ngay khi có dự báo mưa lớn xảy ra trên địa bàn từ Trung tâm khí tượng thủy văn, lực lượng PCTT tập hợp dữ liệu đã có để lên nhiều kịch bản khác nhau về khả năng hình thành lũ, sau đó theo dữ liệu cập nhật thường xuyên trên hệ thống, chúng tôi sẽ đưa ra cảnh báo sớm để chính quyền các địa phương có liên quan dùng điều hành, người dân cũng được tiếp cận thông tin để chủ động phòng ngừa, sớm di chuyển đến nơi an toàn. Với sự hỗ trợ ngày càng mạnh của KHCN, các dự báo ngày càng tốt, theo đó các cảnh báo cũng chính xác hơn và mức độ rủi ro, thiệt hại cũng giảm hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, trong PCTT, điểm cốt yếu vẫn là năng lực phối hợp giữa chính quyền với các ngành có liên quan và người dân. Chúng ta đang vận hành công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, việc cảnh báo sớm thông tin góp phần đưa “4 tại chỗ” phát huy tối đa tác dụng; đồng thời giúp địa phương xây dựng sớm các kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai.
THU DỊU