Luân canh cây mè trên đất lúa
Cây mè là loại cây trồng thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết vụ Hè Thu. Theo nhiều nông dân trồng mè ở huyện An Lão, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân (khoảng tháng 2 - 3 dương lịch), bà con sẽ tiến hành gieo mè. Đồng ruộng sau vụ mè, khi sạ lại lúa sẽ ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa.
Chị Võ Thị Lệ, ở xã An Tân cho biết: Nhiều năm nay gia đình tôi không làm lúa vụ Hè Thu nữa mà chuyển sang trồng thêm rau màu và đặc biệt là mè. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi chuyển toàn bộ 4 sào ruộng sang trồng mè trong vụ Hè Thu. Trồng mè có lãi khá, khoảng 4 triệu đồng/sào, gấp 1,5 lần so với trồng lúa.
Nhờ chuyển đổi 4 sào ruộng lúa sang trồng mè trong vụ Hè Thu, chị Võ Thị Lệ ở xã An Tân có thêm thu nhập ổn định. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU
Chị Lệ cũng như nhiều nông dân khác có cùng tâm sự, việc trồng mè bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá nhưng khi trồng mè, nông dân gần như chưa được hỗ trợ gì từ các ngành chức năng, từ khâu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cho đến quản lý dịch hại, chế biến sau thu hoạch… để hướng tới vừa đảm bảo năng suất bền vững vừa đạt mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cây mè đang trở thành một loại cây trồng thay thế lúa đạt hiệu quả khá trong vụ Hè Thu. Tới đây, huyện và các ngành liên quan sẽ có định hướng hỗ trợ bà con theo hướng sản xuất gắn với thị trường, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, giống và bảo quản để bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
DIỆP THỊ DIỆU