Những “dấu ấn Pháp” ở Bình Định
Ngoài các công trình kiến trúc cổ, “dấu ấn Pháp” khá đậm nét trên nhiều mặt đời sống xã hội trong tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực khoa học giáo dục.
Có thể nói, “dấu ấn Pháp” có mặt ở nhiều công trình hạ tầng trong tỉnh như: Tiểu chủng viện Làng Sông, Thư viện ĐH Quy Nhơn... Nếu Bình Định được coi là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ, Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) là nơi đặt nhà in Làng Sông đầu tiên ở Đàng Trong (từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên). Tòa chủng viện được xây theo kiến trúc Gothic và kiến trúc Pháp mang vẻ trầm mặc, uy nghiêm, cổ kính.
Không gian kiến trúc Pháp bên trong tòa nhà Thư viện ĐH Quy Nhơn. Ảnh: HỒNG HÀ
Cũng mang kiến trúc cổ điển Pháp, tòa nhà Thư viện ĐH Quy Nhơn toát lên vẻ sang trọng, uy nghi, cuốn hút. Trong không gian cổ kính đó, nhiều hoạt động giao lưu, hữu nghị, trao đổi tài liệu được Hội hữu nghị Việt - Pháp tỉnh Bình Định tổ chức thường xuyên. Nổi bật là hoạt động của CLB tiếng Pháp tại ĐH Quy Nhơn, đã trở thành nơi giao lưu văn hóa, sinh hoạt của những người yêu tiếng Pháp. Bà Nguyễn Thị Ái Quỳnh, giảng viên ĐH Quy Nhơn, ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Pháp tỉnh Bình Định cho biết, Hội đang lên kế hoạch tổ chức triển lãm online về nước Pháp trên mạng xã hội, trên website của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và website của Sở KH&CN. Sự kiện này tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin để đa dạng hóa phương thức hoạt động của Hội, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Pháp.
Ngày nay, nhắc đến dấu ấn Pháp không thể không kể đến Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), một công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế, đã làm thay đổi diện mạo TP Quy Nhơn và được xem là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp trên lĩnh vực khoa học.
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE giới thiệu về những dấu ấn Pháp trong quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm. Ảnh: HỒNG HÀ
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE kiêm Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Pháp tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Những kết nối của GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học Pháp đã góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học và khoa học giáo dục tại Bình Định. Trong đó, phải kể đến đề xuất thành lập Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa của nhà khoa học Pháp Jean Audouze; chương trình học bổng đào tạo kỹ sư chất lượng cao nằm trong Hệ thống Trường Kỹ sư của Viện Khoa học ứng dụng Pháp; chương trình học bổng Vallet hỗ trợ học sinh, sinh viên, học viên sau đại học của Việt Nam”.
Cũng nằm trong Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, Trung tâm Khám phá Khoa học (Sở KH&CN) đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về mặt khoa học, đào tạo và hướng dẫn chuyên môn rất lớn từ các chuyên gia, nhà khoa học Pháp, đặc biệt trong việc vận hành dự án Tổ hợp không gian khoa học, gồm có nhà chiếu hình vũ trụ và khu khám phá khoa học. Theo Th.S Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN kiêm Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học, sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp đã giúp Trung tâm thực hiện hiệu quả sứ mệnh phổ biến khoa học, đưa khoa học đến gần hơn với công chúng.
Trên lĩnh vực đầu tư và thương mại, quan hệ hợp tác giữa tỉnh và nước Pháp cũng được đẩy mạnh thông qua các dự án hợp tác khoa học, các dự án vệ sinh, môi trường... Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang Pháp của Bình Định đạt 22,8 triệu USD, nhập khẩu từ Pháp đạt 2,4 triệu USD. Ông Ngô Xuân Thủy, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cho biết, thời gian tới, ngoài việc duy trì các hoạt động đã có, hai bên sẽ triển khai dự án xây dựng 4 nhà vệ sinh tại các trường học và các công trình thoát nước, xử lý nước thải tại TX An Nhơn.
HỒNG HÀ