Phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung
Nhờ biết cách ứng dụng nhiều kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân, các huyện Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn đã phát triển một số vùng chuyên canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ với quy mô hàng hóa gắn với chế biến sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có 5.223 ha trồng cây ăn quả. Mục tiêu của tỉnh là trong giai đoạn 2020 - 2025 phát triển vùng trồng cây ăn quả có lợi thế của tỉnh (bưởi, xoài, dừa xiêm...), hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn và áp dụng công nghệ cao như: Canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP kết hợp với hệ thống tưới tự động, bán tự động; sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Một mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân. Ảnh: HOÀI THU
Ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các đề án, kế hoạch, tiếp tục kêu gọi thêm tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các dự án trồng cây ăn quả sử dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh bắt đầu quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về chuyển đổi và phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung, huyện Hoài Ân là địa phương “đi sau về trước”. Trước đây, Hoài Ân có một số vùng trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả không cao, quy mô nhỏ lẻ. Qua tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã phát triển được các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mình, trong đó có cây ăn quả. Đến nay, trên địa bàn huyện hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung, trong đó diện tích trồng bưởi da xanh là 240 ha, dừa xiêm 425 ha, cùng một số cây ăn trái khác…, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, hướng tới việc tăng chất lượng, sản lượng để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Huyện đã phê duyệt Đề án xây dựng phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Hoài Ân giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự kiến 18,5 tỷ đồng. Trong đó, mở rộng quy mô sản xuất liên kết theo chuỗi, canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng giá trị sản phẩm; xây dựng 4 nhãn hiệu cho các sản phẩm của vùng trồng cây ăn quả. Nhờ gắn với cách canh tác an toàn sinh học, hợp chuẩn VietGAP… trên cùng một đơn vị diện tích, bà con nông dân thu về lợi ích hơn nhiều so với trước”.
Tương tự, huyện Tây Sơn đã từng bước chú trọng đầu tư một số vùng trồng cây ăn quả thế mạnh, trong đó chủ yếu là quýt đường ở các xã Tây Xuân, Tây Phú, Bình Tường, Vĩnh An… với tổng diện tích hơn 50 ha. Theo ông Trần Văn Lượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, các đơn vị, địa phương đang triển khai công tác hỗ trợ, xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả như: Trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP với diện tích 2 ha ở xã Tây Xuân và Bình Tường; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung ở xã Tây Phú diện tích khoảng 300 ha, với dạng nhà vườn trang trại kết hợp du lịch.
Việc hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung góp phần giúp chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất sản xuất lâm nghiệp kém hiệu quả. Ở huyện Phù Cát, đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi thành công ở các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn… Trong số này, có hộ ông Đào Kim Bằng (xã Cát Hiệp) chuyển đổi đất trồng bạch đàn, keo sang trồng cây ăn quả trên diện tích gần 3 ha. Ông Bằng đã xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học kết hợp với trồng cây ăn quả, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. “Nhận thấy chất đất ở đây phù hợp với các loại cây ăn quả, sau quá trình tìm hiểu tôi chọn 3 giống cây là mít Thái, bưởi da xanh và dừa xiêm để trồng. Đến nay, vườn cây được 2 năm tuổi, sinh trưởng tốt. Bởi vùng trồng nắng nhiều, tưới phun sương hoặc tưới lộ thiên khó phủ được, nên tôi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt theo cách đưa nước tới từng ô, từng cây, nước rỉ xuống thấm đều và sâu hơn”, ông Bằng chia sẻ.
THU DỊU