Bảo tồn, phát huy bài chòi cổ gắn với phát triển du lịch:
Nắm kỹ thực tế để có hướng đi phù hợp
Sở VH-TT-DL đang xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển dân ca bài chòi Bình Định trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ phát triển du lịch. Đây là việc cần làm ngay, nhưng để mang lại kết quả mong muốn, Đề án cần đánh giá đúng thực tế để có hướng đi phù hợp, nhằm phát huy tốt vốn văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh.
1.
Sau khi Sở VH-TT-DL phục dựng thành công Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định cách đây 4 năm, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, đơn vị văn hóa, nghệ nhân… trong công tác bảo tồn và phát huy loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo này. Nhờ tổ chức một số lớp tập huấn về biểu diễn bài chòi cổ, rồi đưa bài chòi cổ vào nội dung thi Ngày hội Văn hóa – Thể thao miền biển cấp tỉnh và thành phố, Liên hoan Khu phố, Thôn văn hóa tiêu biểu TP Quy Nhơn…đã giúp cho bài chòi cổ có cơ hội phát triển. Các hội đánh bài chòi cổ được tổ chức ở TP Quy Nhơn rồi “lan rộng” đến thị xã An Nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, thu hút đông đảo người chơi, khán giả.
Điển hình trong việc thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bài chòi cổ dân gian là TP Quy Nhơn. Ngoài các hội đánh bài chòi, thi hát bài chòi cổ do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức ở nội thành, các xã bán đảo như Nhơn Hải, Nhơn Châu cũng mở ra các hội đánh bài chòi phục vụ nhân dân trong dịp lễ, tết. Đặc biệt, từ mùng 2 Tết Giáp Ngọ 2014 đến nay, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã duy trì tổ chức thường xuyên hội đánh bài chòi cổ đạt hiệu quả tốt. Ông Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, hiện chúng tôi tổ chức hội đánh bài chòi cổ phục vụ người dân vào các tối thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật tại bãi cỏ phía Đông đường Nguyễn Tất Thành. Cuối tuần vừa rồi, có đoàn du khách biết được thông tin nên gần 10 giờ đêm vẫn tìm đến chơi liên tục mấy hội…”.
2.
Đầu năm 2014, Sở VH-TT-DL đã có buổi báo cáo với lãnh đạo tỉnh về Đề án Bảo tồn và phát triển dân ca bài chòi Bình Định trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với phục vụ cho việc phát triển du lịch. Tại buổi báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của Đề án và chỉ đạo Sở VH-TT-DL khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng triển khai. Vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã tài trợ kinh phí 2 tỉ đồng để xây dựng, thực hiện Đề án. Hiện tại, Sở VH-TT-DL đang xây dựng dự thảo của Đề án, sau đó sẽ gửi cho các đơn vị, cá nhân liên quan để góp ý bổ sung, hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh.
“Khi thực hiện bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ dân gian phục vụ du lịch, nên nghiên cứu thêm những hình thức sinh động hơn phục vụ người chơi. Có thể làm những sản phẩm mô hình chòi thu nhỏ, những chiếc quạt có in nội dung các câu thai hay và dí dỏm, các thẻ bài…để khách có vật lưu niệm gắn với quảng bá cho bài chòi cổ sau khi chơi”.
(Ông Đào Minh Tâm, Phó Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian Bình Định)
Được biết, nội dung dự thảo của Đề án sẽ tập trung vào việc tổ chức hội đánh bài chòi cổ dân gian thường xuyên tại một điểm cố định ở TP Quy Nhơn theo hướng nâng cao chất lượng để phục vụ khách du lịch. Đồng thời sẽ tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn, hội thi… nhằm gầy dựng lực lượng kế thừa bảo tồn và phát huy bài chòi cổ. Việc lập Đề án đang nhận được ủng hộ của những người tâm huyết với bài chòi cổ.
Qua tham khảo ý kiến chung, những khán giả yêu mến bài chòi đều bày tỏ mong muốn Đề án phải bám sát tình hình thực tế những gì đã làm được và chưa làm được đối với bài chòi cổ những năm qua, để từ đó có hướng đi phù hợp. Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nguyễn An Pha, thành viên Ban cố vấn của Đề án, cho rằng: “Cần quan tâm đến việc đào tạo lực lượng kế thừa, nhân rộng tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đầu tư cho việc nghiên cứu, sưu tầm nhiều hơn những câu thai dân gian, các bổn tuồng hoặc trích đoạn bài chòi cổ để phục dựng biểu diễn. Xây dựng những mô hình trọng điểm tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian bài bản hơn để phục vụ du lịch không chỉ ở TP Quy Nhơn, mà còn ở các huyện, thị xã trong tỉnh”.
Một thực tế đáng quan tâm nữa là các nghệ nhân bài chòi cổ có thâm niên kinh nghiệm, tài năng và tâm huyết đóng góp hết mình cho phong trào hiện nay còn rất ít. Vì vậy, Đề án cần có sự quan tâm cụ thể đến các nghệ nhân bài chòi cổ. Ông Hoàng Việt nhìn nhận: “Nghệ nhân là bảo tàng sống về bài chòi cổ. Nếu không có sự tham gia đóng góp hết mình của các nghệ nhân thì việc bảo tồn và phát huy bài chòi cổ ở tỉnh nhà khó đạt được thành quả như những năm qua. Tuy nhiên, đời sống của nghệ nhân giỏi như nghệ nhân Minh Đức ở Phù Cát đang rất khó khăn…Mong rằng từ nguồn kinh phí tài trợ cho Đề án, cần có hình thức phù hợp để hỗ trợ cho nghệ nhân nhằm ghi nhận, động viên họ tiếp tục phát huy khả năng biểu diễn và truyền dạy”.
Hoài Thu