Hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 26.7, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 732 về một số quy định cần tuân thủ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và mức xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này.
Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và trước tình hình nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, người dân rất quan tâm đến những quy định pháp luật cụ thể để thực hiện đúng, nghiêm túc bảo vệ an toàn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng...
- Chỉ thị 16/CT-TTg và Công văn hướng dẫn số 2601/VPCP-KGVX yêu cầu 6 nội dung cơ bản trong thực hiện giãn cách như sau: 1. Thực hiện cách ly với nhau giữa gia đình, thôn bản, xã, huyện, tỉnh; nhà máy sản xuất bảo đảm khoảng cách, đeo khẩu trang, khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. 2. Mọi người dân hạn chế tối đa ra đường trừ trường hợp thật sự cần thiết, khẩn cấp như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh… và các trường hợp làm việc tại công sở, cơ sở hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. 3. Giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, nơi công cộng. 4. Người đứng đầu DN chịu trách nhiệm phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động, trường hợp không đảm bảo phải dừng hoạt động. 5. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, xử lý tài liệu mật… mới đến công sở làm việc; tăng cường họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở. 6. Dừng vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, trừ vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa; hạn chế tối đa phương tiện cá nhân.
Cảnh sát giao thông - CA tỉnh làm việc với một đối tượng trong vụ tụ tập hàng chục người đua xe trái phép trên địa bàn huyện Tuy Phước tháng 6.2021. Ảnh: KIỀU ANH
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp. Theo đó, Bình Định quy định hoạt động tang lễ chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.
Các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
- Việc vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.
Tại Công văn số 732, Sở Tư pháp đã thông tin, tuyên truyền về mức xử phạt đối với 16 nhóm hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để người dân nắm rõ và tuân thủ. Trong đó, nhóm hành vi vi phạm hành chính cần lưu ý như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài không cần thiết - bị phạt tối đa 3 triệu đồng; không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch - bị phạt tối đa 30 triệu đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch - bị phạt tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức…
Là loại bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A - đặc biệt nguy hiểm, yêu cầu tuân thủ nghiêm pháp luật, các quy định về phòng, chống để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đang được đặt ra bức thiết. Những vi phạm nghiêm trọng bên cạnh bị phạt tiền nặng còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhóm vi phạm này bao gồm: Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc gian dối gây lây truyền dịch bệnh cho người khác - phạt tù tối đa 12 năm và có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch - phạt tù tối đa 7 năm; người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng - bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, phạt tù tối đa 12 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm…
Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực thi pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và ý nghĩa, mục đích của Công văn 732 trong bối cảnh dịch trên cả nước và trong tỉnh đang ở giai đoạn căng thẳng?
- Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, do vậy về cơ bản các cấp, các ngành, người dân, DN đã chủ động thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy một số địa phương là chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật đối với từng hành vi cụ thể. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, có hành vi vi phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, kiểm soát nguồn nguy cơ lây nhiễm và làm dịch bệnh thêm lây lan.
Chính vì vậy, khái quát vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 thông qua ban hành, hướng dẫn 16 nhóm hành vi vi phạm cơ bản kèm chế tài xử phạt, Sở Tư pháp mong muốn góp phần giúp người dân có thêm thông tin qua đó thực hiện, tuân thủ, đồng thời, tạo điều kiện để các địa phương, lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở tham khảo, vận dụng.
Trong điều kiện hết sức khó khăn khi người dân phải gồng mình trong cơn đại dịch, nhưng việc đặt vấn đề xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm trong thời điểm này là hết sức cần thiết, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
SAO LY (Thực hiện)