Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Bình Định xác định thực hiện chuyển đổi số trên thế “kiềng ba chân” - chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, trong đó phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu là đưa TP Quy Nhơn trở thành một Trung tâm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số là đến năm 2030, Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đồng thời, xây dựng thành công chính quyền số, đưa TP Quy Nhơn trở thành một Trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam. Theo đó, chuyển đổi số sẽ được thực hiện trên 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh sẽ được xử lý trên môi trường mạng. Kinh tế số chiếm 15 - 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP). Dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng di động 5G sẽ được phổ cập. Hơn 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Phát triển nhân lực CNTT là một trong những nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số. - Trong ảnh: Các kỹ sư CNTT đang làm việc tại TMA Solutions Bình Định. Ảnh: HỒNG HÀ
Việc phát triển chính quyền số của Bình Định thời gian qua đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Cụ thể, Bình Định đã bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số bằng việc triển khai các hạng mục để xây dựng chính quyền điện tử, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT), tăng cường chữ ký số, nhân rộng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của Bình Định tương đối tốt, xếp 13/63 tỉnh, thành. Gần đây, Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh từng bước đi vào hoạt động. Tỉnh cũng đẩy mạnh khai thác tính năng của ứng dụng zalo thông qua trang thông tin Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định, trở thành kênh tương tác hiệu quả giữa người dân với chính quyền.
‘Bình Định cần tạo ra 3 điểm khác biệt để tạo nền tảng phát triển TP Quy Nhơn thành trung tâm AI. “Một là nơi đây phải trở thành mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ, các công ty khởi nghiệp phát triển. Hai là, Bình Định phải trở thành cái nôi về đào tạo và nghiên cứu AI, với nguồn nhân lực AI được đào tạo bài bản từ khi còn là học sinh. Ba là Bình Định phải trở thành thị trường lớn nhất cho AI”.
Chủ tịch HĐQT FPT TRƯƠNG GIA BÌNH
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế thì việc ứng dụng CNTT hướng đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc chuyển đổi ở các DN địa phương còn chậm, thiếu sự mạnh dạn đầu tư. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chưa nhiều. Hạn chế này có cả nguyên nhân, song chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Đó là do nhận thức chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và trong đời sống xã hội chưa đầy đủ; tư duy trong chuyển đổi số chậm đổi mới, sức ỳ lớn. Hơn hết, quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn... Điều này đã được Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhìn nhận tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với Tập đoàn FPT: “Bình Định cần một cuộc cách mạng để làm thay đổi nhận thức, tư duy, cách vận hành, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu”.
Với mục tiêu đưa TP Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học, giáo dục đầu tiên của Việt Nam, thời gian qua, Bình Định đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng khoa học và CNTT. Đến nay, TP Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học, giáo dục đầu tiên của Việt Nam nhờ dự án Khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa. TP Quy Nhơn sẽ là trung tâm sản xuất, xuất khẩu phần mềm nhờ dự án Công viên sáng tạo TMA của Công ty TMA Solutions (TP Hồ Chí Minh) phát triển về AI, Internet vạn vật và thiết bị 5G. Tương lai không xa, TP Quy Nhơn cũng sẽ là đô thị AI của Việt Nam và thế giới sau khi Tập đoàn FPT phát triển tại đây 2 dự án về Trung tâm công nghệ AI tại Long Vân và Trường ĐH FPT - Phân hiệu AI Quy Nhơn tại Khu đô thị An Phú Thịnh.
Dự kiến trong tháng 8 tới, UBND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết về chuyển đổi số. Điều này sẽ tạo cơ chế chính sách, tạo tiền đề để địa phương triển khai chuyển đổi số đạt được kết quả cao.
HỒNG HÀ