Lượng dồi dào, cần nâng chất
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 160 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; trong đó có 3 DN sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Nhờ vậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người trồng rừng trong tỉnh mà còn cung ứng ra ngoài tỉnh.
Theo kế hoạch năm 2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn trồng 5,5 triệu cây giống các loại, bao gồm: 3,5 triệu cây keo lai mô; 1,5 triệu cây keo lai hom; 500 cây thông, phi lao… Trong đó, số lượng cây keo lai mô năm nay tăng 500 nghìn cây so với năm trước từ nhu cầu của thị trường. Đến thời điểm này, Công ty đã sản xuất được hơn 2 triệu cây keo lai mô (đã bán 1,5 triệu cây), 800 nghìn keo lai hom, 215 nghìn cây thông (vượt so với kế hoạch). Số lượng cây giống sản xuất được dành một phần nhỏ phục vụ kế hoạch trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ năm 2021 của Công ty, còn lại phần lớn cung cấp cho nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh (Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Thuận…).
Vườn ươm cung cấp cây con giống keo lai của ông Đào Sanh Lâm ở thôn An Long 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Ảnh: HOÀI THU
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho biết: Công ty tiếp tục hợp tác với Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) sản xuất cây giống công nghệ cao. Cụ thể trong vụ trồng rừng tới đây lần đầu công ty sẽ sản xuất thử nghiệm hai loại cây giống mô mới là keo tam bội và keo lá tràm mà hiện trên địa bàn tỉnh chưa có DN nào sản xuất. Đặc biệt 100 nghìn cây giống keo tam bội đầu tiên đã được Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Thạnh) đặt mua để thử phát triển giống.
Chiều 26.7, chúng tôi tìm đến thôn An Long 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, thấy nhiều lao động đang làm việc tại hàng chục vườn ươm. Ông Đào Sanh Lâm, chủ một vườn ươm, cho biết: Vườn ươm của tôi có tổng diện tích khoảng 1,5 ha, mỗi năm thường làm hai vụ (vụ 1 từ 11 đến tháng 3 âm lịch, vụ 2 từ tháng 5 tháng 7 âm lịch), tạo ra khoảng hơn một triệu cây giống, lời được khoảng hơn 200 triệu đồng, ngoài ra còn tạo ra việc làm có thu nhập khá cho nhiều lao động địa phương. Sản phẩm của nhiều vườn ươm ở thôn An Long 2 được tiêu thụ ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngày hôm qua, tôi vừa bán xong 100 nghìn cây con giống keo lai cho khách hàng ở Đà Nẵng.
Nhà nuôi cấy mô phục vụ sản xuất cây giống công nghệ cao của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI THU
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, qua 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã sản xuất được 85,6 triệu cây giống các loại, bao gồm: 73,8 triệu cây keo lai hom, 10,913 triệu cây keo lai mô, 610 nghìn cây sao đen, 140 nghìn cây lim xanh, 120 nghìn cây thông, 34.000 cây phi lao. Nhu cầu trồng rừng trong tỉnh chỉ cần một phần cây giống sản xuất được, còn lại phần lớn tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh. Ông Chu Hồng Sâm, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn, chia sẻ: Trong tỉnh có nhiều cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp ở các địa phương đã tạo thuận lợi hơn cho người trồng rừng lựa chọn phù hợp với từng vùng, mục đích trồng và điều kiện đầu tư. Tuy nhiên, để thu hoạch đạt yêu cầu, hiệu quả kinh tế, cần lựa chọn kỹ lưỡng hơn “đầu vào” cây mình chọn trồng rừng đảm bảo chất lượng từ các cơ sở sản xuất đáp ứng đúng các quy định, như sản xuất giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống, nguồn giống được công nhận…
HOÀI THU