Mô hình khởi nghĩa Tà Lốc - Tà Lét
Tại Nhà truyền thống của Bộ CHQS tỉnh, nơi đang lưu giữ, trưng này nhiều hiện vật về lịch sử hào hùng của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có trưng bày mô hình cuộc khởi nghĩa Tà Lốc - Tà Lét (ảnh).
Huyện Vĩnh Thạnh có hai tộc người chủ yếu là Kinh và Bana chung sống đoàn kết, đấu tranh kiên cường trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1958, địch không ngừng gia tăng quân số ở Vĩnh Thạnh, chúng mở hàng chục cuộc hành quân để khủng bố nhân dân, lùng bắt cán bộ bí mật của ta, nhưng không có kết quả. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự quần chúng, nhân dân các làng đã vạch ra kế hoạch bày binh bố trận, chọn các tuyến chiến đấu để nhử địch vào trận địa của ta. Các già làng giàu kinh nghiệm, am hiểu địa thế, địa hình được mời vào hoạt động với Ban cán sự quần chúng để bày cạm bẫy, làm tên tẩm thuốc độc, huy động cả phụ nữ và trẻ em cùng tham gia vót chông, tên...
Có 12 làng của 2 xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo đồng loạt công khai nổi dậy mở đầu cuộc khởi nghĩa. Ngày 6.2.1959, cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh bùng nổ với mở đầu là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Bana ở làng Tà Lốc - Tà Lét. Du kích Tà Lốc - Tà Lét đã dũng cảm đánh trả, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch khi chúng tấn công vào làng, trong đó có tên ác ôn Đinh On dẫn đường, buộc địch phải rút lui. Tiếp đó, từ tháng 2.1959 - 2.1960, có 50 trong số 53 làng của huyện Vĩnh Thạnh đã nổi dậy dời làng, chống địch.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, phong trào cách mạng ở khu 5 nói chung, Bình Định nói riêng phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Bana ở làng Tà Lốc - Tà Lét. Trong phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân dân Bình Định, đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên đã giành được thắng lợi, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh hòa nhịp với toàn miền Nam, là dấu mốc tiêu biểu ghi nhận phương thức đấu tranh cách mạng mới trong quá trình kiên trì đấu tranh từ làng lên xã, lên huyện; từ đấu tranh bí mật đến công khai; từ nổi dậy lánh địch đến nổi dậy đánh địch và đã đánh thắng quân địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bình Định.
NGỌC NHUẬN