Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Thành công từ sự linh hoạt, trách nhiệm
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã khép lại vào chiều 28.7 với nhiều thành công dù diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Vừa trở về từ Hà Nội, Phó Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo Bình Ðịnh.
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
QH đã thảo luận, thông qua các nghị quyết: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; các kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; chương trình giám sát của QH năm 2022 và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, trang trọng. QH đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ; bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới.
● Trước bối cảnh đặc biệt với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nội dung, kế hoạch của kỳ họp đã có những thay đổi như thế nào để thích ứng, thưa đồng chí?
- Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, rộng, phức tạp hơn, QH đã cân nhắc, có 3 lần quyết định điều chỉnh nội dung, chương trình, bố trí làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để rút ngắn chương trình 8 ngày so với dự kiến ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành có chất lượng nội dung kỳ họp.
Đáng chú ý, QH đã bổ sung một nội dung rất quan trọng: Quyết định việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách cho công tác phòng, chống dịch, làm cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Trong đó, ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết… để chi cho công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
● Theo sát diễn biến kỳ họp, có thể thấy các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định rất tích cực tham gia ở từng hoạt động cụ thể, với nhiều ý kiến được đánh giá cao và tiếp thu nghiêm túc. Xin đồng chí thông tin cụ thể về vấn đề này?
- Tham gia vào các nội dung của kỳ họp, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã phát huy trách nhiệm, tham gia nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp tích cực vào việc xem xét, thảo luận, quyết định các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, từ thực tiễn, qua lắng nghe, tiếp thu ý kiến cử tri, các ĐBQH đã kịp thời phản ảnh, đề xuất, kiến nghị đến QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương những vấn đề cử tri đang quan tâm.
Tại kỳ họp, các ĐBQH đơn vị tỉnh đã tham gia 22 lượt phát biểu, trong đó có 7 lượt phát biểu tại hội trường, 15 lượt phát biểu tại các cuộc thảo luận tổ.
“Trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ðoàn ÐBQH tỉnh không tổ chức tiếp xúc cử tri ngay sau khi kết thúc kỳ họp mà sẽ tổ chức sau với hình thức phù hợp. Song, chắc chắn rằng trong thời gian tới, các ÐBQH, Ðoàn ÐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của người đại biểu dân cử, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri tỉnh Bình Ðịnh và cả nước”.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh LÝ TIẾT HẠNH
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, các ĐBQH đơn vị tỉnh đề nghị cần nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù trên các lĩnh vực; cần lên kịch bản hết sức cụ thể trong mọi tình huống; chú trọng đầu tư các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phát hiện, cách ly, theo dõi, điều trị.
Đối với chương trình xây dựng luật, các đại biểu nhấn mạnh cần có hành lang pháp lý để cơ quan chức năng yên tâm chống dịch; luật hóa hình thức khám chữa bệnh từ xa. Cần khắc phục tình trạng bất cân xứng giữa nhân lực với khối lượng công việc về xây dựng và thi hành pháp luật ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay phát sinh nhiều vấn đề mới, nhất là những khó khăn, thách thức cũng như thời cơ, cơ hội của thời kỳ “hậu Covid-19”, các đại biểu cho rằng cần có các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, cân bằng cung cầu.
Trong điều hành kinh tế quốc gia, các đại biểu kiến nghị cần cải tiến phương pháp thu để quản lý chặt nguồn thu, trên quan điểm vừa chống thất thu ngân sách, vừa đảm bảo nhiệm vụ chi, nhưng phải nuôi dưỡng nguồn thu; giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển. Ưu tiên, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KT-XH của quốc gia, từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đặc biệt, nhiều nội dung thảo luận của các ĐBQH đơn vị tỉnh đã được ghi nhận, tiếp thu và thông qua tại các nghị quyết; nổi bật như cơ chế đặc thù trong phòng, chống Covid-19, việc thành lập một ban chỉ đạo duy nhất cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp để đảm bảo thu ngân sách Trung ương cho giai đoạn tới…
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)